Chuyển tới nội dung

OOH trong marketing là gì? Các loại hình OOH mới nhất 2024

    Trong môi trường marketing đầy sôi động và cạnh tranh như hiện nay, việc thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng là điều vô cùng quan trọng. Trong số các kênh truyền thông được sử dụng phổ biến, OOH nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, mang đến khả năng tiếp cận rộng rãi và tạo ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng. Vậy OOH trong marketing là gì? Hãy cùng tìm hiểu các loại hình OOH trong marketing mới nhất 2024 trong bài viết này.

    OOH trong marketing là gì?

    OOH là viết tắt của cụm từ “Out-of-Home”, ám chỉ các hình thức quảng cáo xuất hiện bên ngoài nhà ở, nơi công cộng, nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng khi họ đang di chuyển hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời. Đây là một kênh truyền thông truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, nó vẫn giữ vai trò quan trọng trong chiến lược marketing của nhiều doanh nghiệp nhờ khả năng tiếp cận khách hàng tiềm năng một cách hiệu quả, bất kể độ tuổi, giới tính hay thu nhập.

    Khác với các hình thức quảng cáo truyền thống như truyền hình, radio hay báo chí, OOH tận dụng không gian công cộng để truyền đạt thông điệp tiếp thị. OOH bao gồm nhiều loại hình quảng cáo đa dạng như biển quảng cáo, pano, billboard, quảng cáo trên phương tiện giao thông công cộng, trong thang máy, v.v. Với khả năng tiếp cận rộng rãi và tác động trực quan mạnh mẽ, OOH trong marketing đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức thương hiệu, thúc đẩy doanh số bán hàng và củng cố vị thế thương hiệu trên thị trường.

    Ưu điểm của OOH trong marketing

    So với các kênh truyền thông truyền thống khác, OOH trong marketing sở hữu nhiều ưu điểm, như:

    • Tiếp cận rộng rãi: OOH có thể tiếp cận đối tượng mục tiêu đa dạng, không phân biệt độ tuổi, giới tính, thu nhập hay sở thích.
    • Tần suất tiếp xúc cao: Nhờ vị trí đắc địa, OOH có thể khiến khách hàng tiềm năng nhìn thấy nhiều lần trong ngày, tăng hiệu quả ghi nhớ thương hiệu.
    • Thu hút & tạo ấn tượng mạnh: Các hình thức OOH trong marketing thường có kích thước lớn, thu hút sự chú ý và tạo ấn tượng mạnh mẽ với người xem.

    Nhược điểm của OOH trong marketing

    Cạnh đó, OOH trong marketing cũng có một số hạn chế nhất định:

    • Thiếu tính tương tác: Khách hàng không thể tương tác trực tiếp với quảng cáo OOH như các kênh truyền thông online.
    • Hạn chế về định hình nội dung: Do bị giới hạn về không gian và thời gian, OOH trong marketing cần được thiết kế tối ưu để thu hút sự chú ý và truyền tải thông điệp hiệu quả.
    • Khó khăn trong việc đo lường hiệu quả: Việc đo lường hiệu quả của OOH trong marketing thường phức tạp hơn so với các kênh truyền thông online.
    • Không linh hoạt: Một khi quảng cáo đã được đặt, nó khó có thể thay đổi hoặc điều chỉnh trong quá trình chiến dịch, khác biệt so với quảng cáo trực tuyến có thể thích nghi và điều chỉnh nhanh chóng.
    • Chi phí cao: Đối với các SMEs ngân sách hạn chế thì các vị trí OOH đắc địa như trung tâm thành phố hoặc các khu vực tập trung dân cư, chi phí cho việc thuê không gian quảng cáo có thể rất cao.

    > 54 công cụ AI phục vụ marketing mới nhất 2024

    Một số case study OOH trong marketing kinh điển

    “Follow the Arches” của McDonald’s (2018)

    Nguồn cảm hứng cho chiến dịch Follow the Arches – “Đi theo những mái vòm” – đến từ việc McDonald nhận thấy: Có những biển chỉ đường khác nhau đến các nhà hàng McDonald trên khắp Canada, nhưng về hình ảnh thương hiệu lại không nhất quán. Vậy nên, McDonald’s Canada đã điều chỉnh logo Golden Arches thành biển chỉ dẫn cho các nhà hàng của mình, trong một chiến dịch do Cossette Agency thực hiện.

    Cossette đã sử dụng hình ảnh những chiếc cổng vòm vàng đặc trưng của McDonald’s để dẫn đường cho người xem đến với các nhà hàng gần nhất. Chiến dịch đơn giản nhưng hiệu quả, thu hút sự chú ý và ghi nhớ thương hiệu McDonald’s một cách mạnh mẽ. Nhờ chiến dịch này, McDonald’s đã đạt được giải thưởng Grand Prix tại Cannes Lions 2018.

    “Shot on iPhone” của Apple (2015)

    Năm 2014, iPhone 6 và 6 Plus của Apple ra mắt. Để chứng minh tính vượt trội của 2 dòng điện thoại này, nhà Táo đã mở màn chiến dịch “Shot On iPhone” đầu tiên.

    Chiến dịch bắt đầu với việc kêu gọi người dùng chia sẻ những bức ảnh mà họ chụp thông qua hashtag #ShotoniPhone trên mạng xã hội. Apple đã thu thập hình ảnh từ người dùng tại 24 quốc gia và chọn ra những bức ảnh ấn tượng nhất để hiển thị trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời, Apple cũng chi tiền trưng bày 77 bức ảnh do người dùng chụp tại 10 nghìn bảng quảng cáo tại 25 quốc gia trên toàn thế giới.

    ooh-trong-marketing-la-gi-ooh-moi-nhat-2024
    Những bức ảnh cá nhân xuất hiện tại các billboard.
    ooh-trong-marketing-la-gi-ooh-moi-nhat-2024
    Người dùng thỏa sức thể hiện cá tính với chiến dịch OOH của Apple.
    ooh-trong-marketing-la-gi-ooh-moi-nhat-2024
    Chiến dịch OOH của nhà Táo phủ sóng mọi nẻo đường.

    Chiến dịch này đã tạo nên một cú hích lớn khi những bức ảnh cá nhân của người dùng xuất hiện trên các biển quảng cáo khổng lồ trên toàn cầu, từ không gian sống đến thú cưng và bạn bè. Thông qua việc khéo léo thúc đẩy người dùng sử dụng iPhone để chụp ảnh và chia sẻ, Apple đã tạo ra một nguồn tư liệu truyền thông lớn từ cộng đồng người dùng, đồng thời tăng cường sự kết nối với thương hiệu.

    Tính đến hiện tại, “Shot On iPhone” là một trong những chuỗi chiến dịch “dài hơi” kinh điển của Apple.

    > Phân biệt Truyền Thông và Marketing từ case study Baemin rút khỏi Việt Nam

    Các loại hình OOH trong marketing mới nhất 2024

    OOH truyền thống

    Các loại hình OOH truyền thống phổ biến có thể kể đến: Billboard; Transit; POSM; Roadshow.

    Billboard

    Billboard là một cấu trúc quảng cáo ngoài trời dạng tấm lớn, thường được đặt ở vị trí cao. Chúng ta có thể dễ thấy ở những khu vực có lưu lượng truy cập cao như bên cạnh những con đường đông đúc, đường cao tốc, quốc lộ, sân bay,..

    ooh-trong-marketing-la-gi-ooh-moi-nhat-2024-1
    Một billboard của Coca Cola.

    Billboard thường có kích thước rất lớn, dao động từ vài mét vuông đến hàng chục mét vuông. Kích thước tiêu chuẩn của một billboard tại Việt Nam thường là 12m x 6m.

    Transit

    Transit hay Transit Advertising là hình thức quảng cáo được đặt trên các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, xe lửa, taxi, v.v. nhằm tiếp cận đối tượng khách hàng đang di chuyển trên các tuyến đường và khu vực đông người qua lại.

    ooh-trong-marketing-la-gi-ooh-moi-nhat-2024-1
    Quảng cáo Transit của mì Cung Đình.

    POSM

    POSM, viết tắt của Point-of-Sale Materials, là những vật liệu quảng cáo được sử dụng tại điểm bán hàng để thu hút sự chú ý của khách hàng và thúc đẩy hành động mua hàng. Ở đây có thể kể đến Standee; Banner; tờ rơi; gian hàng;..

    ooh-trong-marketing-la-gi-ooh-moi-nhat-2024-1
    Một quảng cáo POSM trong trung tâm thương mại.

    Roadshow

    Roadshow là chiến dịch quảng cáo di động, thường bao gồm việc di chuyển giữa các địa điểm và tổ chức các sự kiện, hoạt động hoặc trưng bày sản phẩm để tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tiềm năng. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp các đoàn diễu hành được trang trí bắt mắt, di chuyển bằng xe đạp hoặc xe máy. Đây chính là loại hình Roadshow.

    ooh-trong-marketing-la-gi-ooh-moi-nhat-2024-1
    Roadshow của Baemin.

    DOOH

    DOOH là viết tắt của Digital Out-of-Home, hay còn gọi là Quảng cáo ngoài trời kỹ thuật số. Có thể coi DOOH là hình thức quảng-cáo-ngoài-trời-truyền-thống sử dụng các phương thức kỹ thuật số.

    So với OOH truyền thống, DOOH có các ưu điểm:

    • Nội dung linh hoạt và dễ tùy chỉnh hơn: DOOH có thể hiển thị nhiều loại nội dung khác nhau như video, hình ảnh, văn bản, thậm chí là nội dung tương tác. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể cập nhật nội dung quảng cáo nhanh chóng và dễ dàng để phù hợp với các chiến dịch tiếp thị theo thời gian thực.
    • Thu hút sự chú ý mạnh mẽ: Các phương tiện kỹ thuật số lớn và nội dung chuyển động thu hút sự chú ý của người qua lại dễ dàng hơn so với các hình thức quảng cáo ngoài trời truyền thống.
    • Tăng khả năng tương tác: Tùy loại hình DOOH có thể tương tác với người xem thông qua màn hình cảm ứng, nhận diện khuôn mặt hoặc các công nghệ khác. Một số DOOH còn có tính năng tương tác, cho phép khách hàng truy cập thông tin, tham gia trò chơi hoặc thậm chí mua sắm trực tiếp trên màn hình.
    • Nhắm mục tiêu cụ thể: Doanh nghiệp có thể nhắm mục tiêu quảng cáo đến đối tượng cụ thể dựa trên yếu tố nhân khẩu học, vị trí địa lý, sở thích, hành vi, v.v.
    • Đo lường hiệu quả: DOOH có thể đo lường hiệu quả một cách chính xác bằng cách theo dõi số lượng người xem, thời gian xem và mức độ tương tác.
    ooh-trong-marketing-la-gi-ooh-moi-nhat-2024-1
    Màn LED tương tác real-time đầu tiên tại Việt Nam của FPT Camera là DOOH cho phép người dùng có cơ hội tương tác trực tiếp với màn hình.

    Fake OOH

    Fake OOH, hay còn gọi là Faux OOH, là hình thức quảng cáo ngoài trời GIẢ, sử dụng  kỹ thuật CGI (Computer Generated Imagery – Hình ảnh tạo bằng máy tính) để tạo ra hiệu ứng như thể có biển quảng cáo ngoài trời thực sự.

    Fake OOH hoạt động như thế nào?

    • Lựa chọn vị trí: Các nhà quảng cáo chọn một vị trí ngoài trời mong muốn, thường là địa điểm đông người qua lại hoặc có liên quan đến chiến dịch.
    • Chụp ảnh hoặc quay video: Chụp ảnh hoặc quay video thực tế của vị trí đã chọn.
    • Thiết kế nội dung quảng cáo: Thiết kế hình ảnh hoặc video quảng cáo cho sản phẩm hoặc dịch vụ.
    • Kỹ thuật CGI: Sử dụng phần mềm CGI để ghép nội dung quảng cáo đã thiết kế vào ảnh/video thực tế của vị trí, tạo cảm giác như biển quảng cáo tồn tại ngoài đời thực.
    • Phát hành chiến dịch: Phát hành video hoặc hình ảnh Fake OOH trên mạng xã hội, các trang web hoặc các kênh truyền thông khác.

    Ưu điểm của Fake OOH:

    • Chi phí thấp hơn: So với việc thuê đặt biển quảng cáo ngoài trời thực tế, Fake OOH có chi phí thấp hơn đáng kể.
    • Linh hoạt hơn: Fake OOH không bị giới hạn bởi các vị trí biển quảng cáo ngoài trời có sẵn, có thể tạo ra những biển quảng cáo ấn tượng và độc đáo tại bất kỳ vị trí nào.
    • Tính lan truyền cao: Fake OOH dễ dàng chia sẻ trên mạng xã hội và các kênh truyền thông trực tuyến, giúp thu hút sự chú ý và lan truyền rộng rãi.
    • Tính tương tác: Fake OOH có thể tích hợp các yếu tố tương tác như mã QR hoặc AR (Thực tế tăng cường) để thu hút người xem.

    Hạn chế của Fake OOH:

    • Không có tác động vật lý: Người xem không thể trực tiếp tương tác với biển quảng cáo Fake OOH ngoài đời thực.
    • Tính pháp lý: Ở một số khu vực, Fake OOH có thể vi phạm quy định về quảng cáo ngoài trời.
    • Có thể gây nhầm lẫn: Người xem có thể nhầm lẫn Fake OOH với biển quảng cáo ngoài trời thực sự.

    Thương hiệu thời trang Pháp, Jacquemus đã biến những chiếc xe bus trên đường phố Paris thành chiếc túi Jacquemus Le Bambino trong Fake OOH của mình vào tháng 5/2023. Chiến dịch này đã tạo nên hiệu ứng tích cực, thu hút lượng lớn đông đảo cộng đồng mạng thảo luận về nhà “mốt” này.

    Tháng 09/2023, L’Oreal Paris cũng sử dụng Fake OOH để quảng bá cho dòng son nước Matte Resistance của mình. Video mở đầu với hình ảnh một chiếc xe ô tô màu đỏ rực rỡ chở theo thỏi son khổng lồ lướt đi trên những con đường hoa lệ của Paris. Điều đặc biệt là phần đầu cọ của thỏi son này không ngừng di chuyển, quét nhẹ nhàng trên mặt đường, để lại một vệt son màu đỏ rực rỡ, thu hút mọi ánh nhìn.

    Hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo này đã nhấn mạnh rằng chất son Matte Resistance của họ không chỉ mịn màng và dày đặc, mà còn mang lại sự tươi mới, quyến rũ cho đôi môi.

    Tại Việt Nam, có thể kể đến Fake OOH của Techcombank nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập vào tháng 10/2023. Trong video, tòa hội sở Techcombank Hồ Chí Minh xoay mình 360 độ vô cùng mượt mà, thể hiện thông điệp “Không ngừng chuyển động”. Cuối video là slogan gắn liền với thương hiệu, “Khát khao chuyển mình”.

    Có thể thấy, cùng với sự phát triển của công nghệ số, OOH cũng không ngừng phát triển và phá vỡ những hạn chế trước đó của mình để phù hợp với thời đại. Mong rằng bài viết này sẽ hữu ích với các bạn.

    A2Z Marketing

    Tag:

    Để lại một bình luận