Marketing mix là gì? – Đây là một trong những câu hỏi được tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Vậy nên, bài viết này A2Z Marketing sẽ giải đáp các thông tin từ A đến Z về marketing mix.
Marketing mix là gì?
Marketing mix là thuật ngữ chỉ tập hợp các công cụ tiếp thị mà doanh nghiệp sử dụng nhằm đạt được mục tiêu tiếp thị trên thị trường.
Marketing mix truyền thống sẽ được phân loại theo mô hình 4P gồm: Product; Price; Place; Promotion. Mô hình này được dùng chủ yếu để phục vụ cho doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa. Sau này, cùng với sự phát triển của thời đại, mô hình 4P biến tấu thêm, tạo ra mô hình 7P dành cho ngành hàng dịch vụ.
Vai trò của marketing mix
Marketing mix tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng của mình. Từ mô hình này, doanh nghiệp có thể thấu hiểu được nhu cầu thực tế của khách hàng, từ đó giúp khách hàng thỏa mãn nhu cầu này. Đồng thời thúc đẩy hành vi mua hàng từ nhóm đối tượng mục tiêu.
Ngoài ra, có thể phân loại vai trò của marketing mix thành từng nhóm cụ thể:
- Phân bổ trách nhiệm: Marketing giúp doanh nghiệp chuyên môn hóa vai trò, phân bổ trách nhiệm đến mỗi nhân sự, từ đó đảm bảo quy tắc làm việc S.M.A.R.T.
- Cung cấp dữ liệu giá trị để phân bổ tài nguyên: Mỗi chiến dịch thành công đều cần đảm bảo có sự phân bổ nguồn lực hợp lý, bao gồm: con người và tài chính.
- Phân tích lợi nhuận, cơ cấu.
- Tạo cơ hội xúc tiến thương mại.
Chiến lược marketing mix
> Phân tích chiến lược Marketing mix 4p của Coca Cola
> Phân tích chiến lược marketing mix 4P của Vinamilk
Marketing mix 4p
Mô hình marketing mix 4P bao gồm:
Product
Đây là chữ P đầu tiên nằm trong 4P. Chữ P này là sản phẩm được sản xuất nhằm phục vụ thỏa mãn nhu cầu của một nhóm đối tượng mục tiêu.
Mỗi sản phẩm đều có quy trình sống nhất định, bao gồm: tăng trưởng – phát triển – bão hòa – suy thoái. Do đó, các nhà tiếp thị cần phải nghiên cứu sâu để không ngừng cập nhật sản phẩm phù hợp với thị trường mục tiêu khi nó đến giai đoạn suy thoái. Nhìn chung, các marketer phải trả lời cho câu hỏi: “Tôi có thể làm gì để cung cấp một sản phẩm tốt hơn cho nhóm người này so với các đối thủ cạnh tranh của tôi”.
Để hoàn thiện chữ P này, bạn cần trả lời các câu hỏi:
- Khách hàng thực sự muốn gì từ dịch vụ/ sản phẩm?
- Khách hàng sẽ sử dụng nó như thế nào?
- Khách hàng sẽ sử dụng nó ở đâu?
- Những tính năng nào của sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng?
- Sản phẩm có thiếu tính năng nào để đáp ứng nhu cầu của khách hàng không?
- Sản phẩm có tính năng nào thừa thãi đối với nhu cầu của khách hàng không?
- Tên của sản phẩm là gì? Cái tên có đủ hấp dẫn không?
- Các kích thước hoặc màu sắc có sẵn của sản phẩm là gì?
- Sản phẩm của mình khác biệt như thế nào so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh?
- Sản phẩm trông như thế nào?
- …
Price
Chữ P thứ hai trong mô hình 4P là Price – Giá cả. Nó được xác định bởi các yếu tố: thị phần; cạnh tranh; chi phí nguyên liệu; nhận dạng sản phẩm; giá trị cảm nhận của khách hàng.
Giá cả không chỉ là yếu tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, mà nó còn mang yếu tố thách thức. Nếu giá quá thấp, doanh nghiệp buộc phải tăng số lượng sản phẩm bán trên một đơn vị theo chi phí để có lợi nhuận. Nếu giá quá cao, rất có thể khách hàng sẽ chuyển sang các đối thủ cạnh tranh có mức giá tốt hơn.
Giá cả cũng tạo nên những nhận thức về sản phẩm trong tâm thức khách hàng. Giá rẻ thường đi đôi với chất lượng không tốt trong mắt khách hàng khi họ so sánh với các nhãn hàng khác. Tuy nhiên, nếu giá quá cao, và vượt quá giá trị sản phẩm trong tâm thức họ, họ sẽ bỏ đi và tìm kiếm các nhãn hàng phù hợp hơn.
Khi định giá sản phẩm, bạn nên lưu ý đến các giá trị cảm nhận. Có 3 chiến lược định giá mà bạn có thể tham khảo:
- Giá thâm nhập thị trường (Market penetration pricing)
- Thị trường trượt giá (Market skimming pricing)
- Định giá trung lập (Neutral pricing)
Các câu hỏi bạn cần trả lời trong quy trình định giá sản phẩm:
- Doanh nghiệp đã tốn bao nhiêu chi phí để sản xuất sản phẩm?
- Giá trị sản phẩm cảm nhận của khách hàng là gì?
- Chiến lược giảm giá nhẹ có thể làm tăng đáng kể thị phần của doanh nghiệp không?
- Giá hiện tại của sản phẩm có thể theo kịp với giá sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh không?
Place
Chữ P thứ 3 trong mô hình 4P là Place – kênh phân phối, hay các địa điểm mà khách hàng có thể mua sản phẩm. Việc đặt điểm bán và cung cấp sản phẩm đến đúng nơi, đúng thời điểm là một khía cạnh quan trọng trong bất kỳ kế hoạch marketing nào.
Bạn cần định vị và phân phối sản phẩm ở nơi có thể tiếp cận nhiều đối tượng tiềm năng. Có nhiều chiến lược phân phối, bạn có thể tham khảo:
- Phân phối tăng cường (intensive)
- Phân phối độc quyền (exclusive)
- Phân phối chọn lọc (selective)
- Nhượng quyền thương mại (franchising)
Để phát triển chiến lược phân phối, bạn cần trả lời các câu hỏi:
- Khách hàng thường tìm kiếm dịch vụ hoặc sản phẩm ở đâu?
- Địa điểm nào mà khách hàng tiềm năng thường xuyên đến? Trung tâm thương mại, một cửa hàng thông thường, hay siêu thị hoặc chỉ mua Online?
- Làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận các kênh phân phối khác nhau?
- Sự khác nhau trong chiến lược phân phối của bạn với đối thủ?
- Một lực lượng bán hàng lớn có thật sự cần thiết?
- Hội chợ thương mại có cần thiết?
- Sản phẩm có cần phải bán trong một cửa hàng trực tuyến?
Promotion
Chữ P cuối cùng nằm trong mô hình 4P là Promotion hay còn được gọi là xúc tiến thương mại. Đây là tất cả các hoạt động nhằm đưa sản phẩm tiếp cận được tới khách hàng, đảm bảo khách hàng có ấn tượng tốt về sản phẩm và tạo ra hoạt động mua bán thực tiễn.
Các hoạt động Promotion có thể là quảng cáo truyền hình; quảng cáo trên radio; quảng cáo trên các kênh social; quảng cáo ngoài trời; catalog; quảng cáo trên báo chí điện tử;..
Promotion gồm nhiều yếu tố khác nhau:
- Tổ chức về bán hàng (sales organization)
- Quan hệ công chúng (public relation)
- Quảng cáo (advertising)
- Khuyến mãi (sales promotion)
Để xây dựng một chiến lược quảng bá sản phẩm hiệu quả, bạn cần trả lời các câu hỏi:
- Làm thế nào để gửi thông điệp tiếp thị đến những khách hàng tiềm năng?
- Khi nào là thời điểm tốt nhất để quảng bá sản phẩm?
- Tiếp khách hàng tiềm năng thông qua phương thức quảng cáo nào?
- Chiến lược xúc tiến của đối thủ cạnh tranh là gì?
Promotion là một thành phần quan trọng, liên quan đến độ nhận diện thương hiệu và doanh số bán hàng.
Marketing mix 7p
Khi các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở các sản phẩm hữu hình, thì marketing mix 4P truyền thống không còn đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, mô hình này đã thay đổi để phù hợp với các đặc thù của ngành hàng dịch vụ. Marketing mix 7P dựa trên mô hình 4P truyền thống, cập nhật thêm 3P, bao gồm: Process; People; Physical Evidence.
Process
Chữ P thứ 5 được bổ sung là Process – những quy trình, hệ thống giúp doanh nghiệp cung ứng dịch vụ ra ngoài thị trường. Ở đây có thể là quy trình phân phối sản phẩm; quy trình logistic; quy trình thanh toán;..
Các quy trình này cần xây dựng thành hệ thống bài bản, nhằm tối ưu hóa chi phí trong khâu cung cấp dịch vụ đến với khách hàng.
People
Chữ P thứ 6 là People. Khía cạnh này không chỉ là khách hàng mà còn là người trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp.
Physical evidence
Chữ P cuối cùng trong mô hình 7P là Physical Evidence. Đây là yếu tố cơ sở vật chất. Đặc biệt, trong ngành hàng dịch vụ, chữ P này vô cùng quan trọng. Bởi đây là không gian gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi giữa doanh nghiệp và khách hàng.
Nó có thể hữu hình như là không gian quán; đồng phục nhân viên;.. Hoặc cũng có thể trừu tượng như thái độ, cách thức phục vụ của nhân viên; sự hỗ trợ chăm sóc khách hàng;..
Marketing mix 4c
Marketing mix 4C ra đời vào năm 1990, bởi Robert F. Lauterborn. Nó được coi là một bản mở rộng của marketing mix. Doanh nghiệp muốn thành công cần hiểu được, marketing mix 4P là chưa đủ, nó còn cần gắn liền với một chữ C (customer) nữa.
Customer Solutions
Chữ C đầu tiên là Customer Solutions (giải pháp cho khách hàng). Yếu tố này được gắn với chữ P đầu tiên – Product (sản phẩm). Nó thể hiện quan điểm: mỗi một sản phẩm khi đưa ra thị trường phải thực sự là một giải pháp, đáp ứng nhu cầu, mong muốn của khách hàng.
Nói cách khác, phải suy nghĩ dựa trên phương diện của khách hàng, sản phẩm phải giải quyết một nhu cầu thực tế nào đó, chứ không chỉ đơn giản là giúp doanh nghiệp “kiếm lời”.
Muốn hoàn thiện chữ C này, doanh nghiệp buộc phải nghiên cứu sâu để tìm ra nhu cầu của khách hàng. Từ đó đưa ra giải pháp để thỏa mãn nhu cầu này.
Customer Cost
Chữ C thứ hai là Customer Cost (chi phí của khách hàng). Yếu tố này gắn với chữ P thứ hai – Price (giá cả). Nó thể hiện quan điểm: Giá của sản phẩm là chi phí mà khách hàng bỏ ra để sử dụng, vận hành và bảo hành sản phẩm. Chi phí này phải tương xứng với giá trị mà sản phẩm mang lại. Giá trị ở đây bao gồm cả giá trị vật chất và giá trị tinh thần.
Convenience
Chữ C thứ ba là Convenience (sự thuận tiện). Yếu tố này gắn với chữ P thứ ba – Place (phân phối). Ở đây, doanh nghiệp cần cân nhắc các cách thức, điểm phân phối phải thuận tiện cho khách hàng.
Communication
Chữ C cuối cùng là Communication (giao tiếp). Yếu tố này gắn với chữ P cuối – Promotion (khuyến mãi, truyền thông). Chữ C này yêu cầu công tác truyền thông phải là sự tương tác, giao tiếp hai chiều giữa doanh nghiệp với khách hàng.
Doanh nghiệp cần lắng nghe tâm tư, thấu hiểu mong muốn, nguyện vọng của khách hàng. Từ đó truyền tải đến khách hàng thông tin: sản phẩm của mình sẽ thỏa mãn nhu cầu của khách hàng như thế nào?
Một chiến dịch thành công sẽ tạo ra được sự tương tác giữa thương hiệu, sản phẩm và khách hàng. Từ đó đạt được sự thấu hiểu, đồng cảm và cảm nhận sâu sắc từ khách hàng.
Chắc chắn là sẽ còn cần nhiều chữ C hơn để khai thác góc nhìn khách quan từ khía cạnh khách hàng. Tuy nhiên, dù có là 4P, 7P hay nhiều P hơn nữa trong marketing mix, tất cả cũng luôn phải hướng trọng tâm về khách hàng. Có thế, doanh nghiệp mới có thể đưa ra các chiến lược marketing thành công.