Nói về marketing, chúng ta thường hay nghĩ tới content, quảng cáo, digital,.. Tuy nhiên, để nhìn rộng và đi xa hơn, các Marketer nên trang bị thêm kiến thức về chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể là Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm.
Vì sao Marketer cần biết về “chiến lược đa dạng hóa sản phẩm”?
Marketing là một quá trình bao gồm các chuỗi hoạt động nghiên cứu thị trường, phân tích sản phẩm, lên kế hoạch, xây dựng chiến lược, phân bổ ngân sách, đo đạc, thống kê, tối ưu,.. trên nhiều nền tảng, với nhiều hình thức khác nhau, nhằm đảm bảo ngân sách chi ra sẽ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Giữa “sản phẩm” và “marketing” có sự liên hệ mật thiệt. Cụ thể, hoạt động marketing có tác động vào sự ra đời & phát triển của sản phẩm, từ định vị sản phẩm, bao bì, hương vị,.. Thậm chí là sự ra đời của một sản phẩm mới.
Nhiều người chỉ thấy bề nổi của nghề này ở các hoạt động tiếp thị, từ khâu xác định khách hàng mục tiêu, nghiên cứu insight rồi vẽ ra các ý tưởng, lên kế hoạch để đưa sản phẩm đến với khách hàng. Tuy nhiên, marketing vốn đã tác động từ giai đoạn nghiên cứu thị trường. Từ xu hướng, hành vi hiện tại của thị trường, Marketer đánh giá và đề xuất chiến lược sản phẩm cho doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, không có nhiều doanh nghiệp phân hóa rõ các giai đoạn này. Do đó, việc phát triển sản phẩm thường do chính chủ, người kinh doanh thực hiện. Đến phòng marketing chỉ còn việc đưa sản phẩm đến tay khách hàng. Tuy nhiên, việc có kiến thức về việc phát triển sản phẩm sẽ mang đến cho Marketer những cơ hội đường dài.
“Đa dạng hóa sản phẩm” là gì?
Đa dạng hóa sản phẩm là quá trình mở rộng danh mục sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Đồng thời phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp để tạo ra cơ cấu sản phẩm hợp lý và mang lại hiệu quả.
Đây là một trong những phương thức cơ bản để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời tối ưu hóa lợi nhuận và doanh số bán hàng từ các sản phẩm mới & giảm thiểu rủi ro khi ngành hàng suy thoái.
Walt Disney chính là một case study về sự thành công với chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. Từ lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là hoạt hình, Walt Disney, ngày nay còn được biết đến với các công viên giải trí; các tuyến du thuyền; khu nghỉ dưỡng; phát sóng truyền hình; giải trí trực tiếp;..
> House of Brand và Branded House khác nhau như thế nào?
> Walmart – Case study cho chiến lược định vị thương hiệu “giá rẻ”
Các chiến lược đa dạng hóa sản phẩm
Chiến lược đa dạng hóa đồng tâm
Chiến lược này tập trung vào cải tiến sản phẩm hiện tại để bổ sung thêm nhiều dòng sản phẩm mới liên quan.
Ví dụ: Một công ty chuyên sản xuất máy tính để bàn nhận thấy xu hướng sử dụng máy tính xách tay tăng cao. Họ bắt đầu nghiên cứu, sản xuất thêm dòng máy tính xách tay để đáp ứng nhu cầu thị trường. Khi đó, công ty này đang thực hiện chiến lược đa dạng hóa đồng tâm.
Chiến lược đa dạng hóa hàng ngang
Chiến lược này tập trung vào mở rộng thêm chủng loại sản phẩm mới để đáp ứng cho nhu cầu của tệp khách hàng hiện tại.
Ví dụ: Một công ty chuyên sản xuất ngũ cốc, phát triển thêm các sản phẩm đồ ăn vặt như bánh ngọt, bánh mặn,.. theo xu hướng thị trường. Khi đó, công ty này đang theo chiến lược đa dạng hóa hàng ngang.
Chiến lược đa dạng hóa hàng dọc
Chiến lược này tập trung vào việc tạo ra những sản phẩm mới không có liên quan đến sản phẩm chủ lực hiện tại của doanh nghiệp. Đây là chiến lược ẩn chứa nhiều rủi ro nhất, khi doanh nghiệp phải thâm nhập vào một thị trường mới, nghiên cứu, tiếp cận một tệp khách hàng mới.
Đa dạng hóa sản phẩm vốn dĩ nằm trong chiến lược của những người kinh doanh. Tuy nhiên, marketing có sự gắn bó sâu sắc và tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh. Do đó, việc tìm hiểu cả về các chiến lược kinh doanh nói chung và chiến lược đa dạng hóa sản phẩm nói riêng sẽ là một tấm nền tốt cho Marketer phát triển sau này.