Chuyển tới nội dung

Copycat content sao cho đúng cách?

    Khi mới bắt đầu làm Content, một trong những lời khuyên được đưa ra nhiều nhất cho newbie là tham khảo thị trường, đối thủ. Xem họ làm như thế nào? Học hỏi những content của họ. Tuy nhiên, nhiều người lại hiểu sai, chỉ đơn thuần xào nấu lại, hoặc thậm chí là copy luôn content.

    Với những bên làm “ăn xổi”, làm “công nghiệp”, quan tâm số lượng thay vì chất lượng, mình sẽ không đề cập đến. Tuy nhiên, nếu bạn chú trọng vào chất lượng và muốn up level bản thân thì mình sẽ chỉ cho bạn mẹo này – Copycat content sao cho đúng cách!

    Copycat Content sai cách

    Nếu như bạn chỉ đang lấy thông tin cho content ở 1 nguồn duy nhất, việc bạn làm chỉ là copy y nguyên nội dung và xào nấu lại con chữ, thì những gì bạn đang làm là đi “trộm” content đấy.

    Sản phẩm của việc này chỉ là một bản copy 2.0 với những thông tin hạn chế, không có điểm mới mẻ. Nó không gia tăng được giá trị của content cũng như bản thân người viết. 

    > 10 chiến thuật để content hay và hấp dẫn hơn

    Copycat Content đúng cách

    Khi copycat content đúng cách, bài viết của bạn sẽ đem lại những giá trị mới cho độc giả. Chẳng những không vi phạm bản quyền, thậm chí cũng chẳng ai nhận ra bạn đã copycat. Ngoài ra, nhờ lối hành văn và lối diễn đạt của mình, bạn còn có thể đem về cho mình một lượng fan trung thành. Vậy làm sao để copycat content đúng cách?

    1. Lấy thông tin cho content từ nhiều nguồn

    Nếu chỉ chăm chăm lấy thông tin từ một nguồn, thì thứ mới mẻ duy nhất bạn có thể đem lại cho độc giả có lẽ là văn phong, cách diễn đạt. Còn giá trị nội dung chưa chắc được gia tăng. Một bài viết mới mà chỉ đưa đến những thông tin cũ, liệu có được đón nhận nhiệt tình?

    Vậy nên, hãy lấy thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Đừng có gì cũng tổng hợp hết cho vào của mình. Hãy chọn lọc ra những ý hay và phù hợp nhất với mục đích hiện tại của content, để biến bài viết thành sự mới mẻ của riêng mình. 

    2. Viết lại/ làm lại content theo cách hiểu của mình

    Sau khi chọn lọc được những nội dung hay, hãy làm lại một dàn ý theo trình tự nội dung của mình. Đừng dựa trên văn phong và lối suy nghĩ của những bài gốc. Hãy đọc cho hiểu, và viết lại theo cách hiểu của mình. Hoặc là tạo nên một content với định dạng mới. Điều này sẽ giúp bạn tạo ra văn phong riêng, hình tượng riêng cho mình. 

    Mặc dù đã bước vào ngành cũng 4-5 năm, nhưng trước khi viết một bài, mình vẫn luôn đọc qua các bài chủ đề tương tự trên mạng. Một phần để tham khảo thêm kiến thức, một phần để so sánh với những trải nghiệm của bản thân. Từ đó, mình sẽ có sự suy xét để đưa ra quyết định: Nên đưa ý nào? Ý nào 2 mặt thì mình truyền tải làm sao? Hay có cần làm ví dụ cụ thể để độc giả dễ hiểu hơn không?

    Và kết quả mình nhận lại được là những phản hồi trên cả mong đợi. Cụ thể là chiếc Blog A2Z Marketing này. Trong tháng đầu tiên hoạt động, mình đã nhận được những tín hiệu tích cực, không phải quá nhiều, nhưng đủ để mình nhận thấy đã có nhóm người thực sự quan tâm đến những nội dung mà mình chia sẻ thay vì những nội dung trên Google.

    Vậy nên, chỉ cần các bạn biết copycat đúng cách thì làm content sẽ chẳng phải thứ khiến bạn đau đầu. Hi vọng những chia sẻ này của mình sẽ giúp ích được các bạn!

    A2Z Marketing

    Để lại một bình luận