Theo một nghiên cứu của Colorpsychology.org, yếu tố thị giác ảnh hưởng đến 93% quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Trong đó màu sắc chiếm tới 84,7%. Cạnh đó, cũng có nhiều khảo sát cho thấy việc lựa chọn màu sắc hợp lý còn ảnh hưởng đến 80% khả năng nhận diện thương hiệu. Có thể thấy, màu sắc là một trong những yếu tố quan trọng trong các hoạt động marketing và branding.
Vậy màu sắc ảnh hưởng như thế nào trong marketing và branding?
Sự nhất quán về màu sắc gia tăng độ nhận diện thương hiệu
Trong thời đại ngập tràn thông tin, chúng ta chỉ có 3s để gây ấn tượng với khách hàng. Trong đó, yếu tố thị giác, hình ảnh quyết định hơn 50% để khách hàng dừng lại và nhận biết thông tin. Vậy thông tin ở đây là gì? Thông tin bao gồm thông điệp chúng ta truyền tải và “chúng ta là ai?”.
Để khách hàng đọc thông điệp, bạn chỉ cần gây ấn tượng về thị giác, bao gồm bố cục, hình ảnh, màu sắc trong ấn phẩm. Tuy nhiên, để họ có thể dễ dàng nhận biết được “chúng ta là ai?”, cần phải có một lộ trình reo rắc thương hiệu vào tâm trí khách hàng. Trong đó, các ấn phẩm truyền thông cần phải tuân theo bộ quy tắc và tiêu chuẩn rõ ràng về màu sắc, phông chữ, phong cách,.. đã được đặt ra từ đầu. Việc làm branding luôn phải theo sát một chuẩn mực sẵn có của thương hiệu.
Sự lặp lại mang tính thường xuyên của những yếu tố này qua các kênh truyền thông sẽ gia tăng độ nhận diện thương hiệu. Đồng thời giúp hình ảnh thương hiệu dần “mặc định” vào trong tâm trí khách hàng. Đó là lý do các doanh nghiệp lớn thường có các vị trí Quản Trị Thương Hiệu. Không chỉ xử lý những khủng hoảng truyền thông, người quản trị thương hiệu còn phải đảm bảo sự nhất quán trong các ấn phẩm, nhằm duy trì hình ảnh thương hiệu.
Có thể dễ dàng thấy sự nhất quán về màu sắc ở các thương hiệu lớn. Đây là những yếu tố dễ thấy nhất trong hoạt động branding của họ. Ví dụ: Màu xanh đặc trưng của Starbuck không chỉ xuất hiện ở logo mà còn xen kẽ ở các ấn phẩm offline như biển hiệu, bài trí cửa hàng, đồng phục nhân viên,.. cho tới các ấn phẩm online trên Website, social,..
Hay những chiến dịch rực đỏ của Omo tại các điểm bán & kênh truyền thông.
Cạnh đó, màu sắc còn tác động đến cảm xúc. Mỗi một màu sắc lại mang đến những cảm xúc riêng. Việc chọn lựa màu sắc phù hợp với phong cách, hình ảnh thương hiệu còn gia tăng thiện cảm cũng như dễ dàng gây ấn tượng với khách hàng mục tiêu. Do đó các Marketer cần nắm được ý nghĩa của các màu sắc.
Màu sắc ảnh hưởng đến hành vi mua hàng
Theo những nghiên cứu của Colorpsychology.org, màu sắc có thể ảnh hưởng đến 85% quyết định mua hàng của người tiêu dùng sau khi đã giải quyết bài toán tài chính. Bởi vậy, Trade Marketer luôn có những sắp đặt về màu sắc tại điểm bán, nhằm thu hút sự chú ý, cũng như kích hoạt cảm xúc, khiến người tiêu dùng ra quyết định mua hàng.
Đó cũng là lý do tại sao Pantone đã hợp tác với Web3 VC studio sLabs để tạo ra các bảng màu cho metaverse khi metaverse và Web3 tạo nên một biên giới mới cho kỷ nguyên kỹ thuật số.
Một trong những nghiên cứu thú vị về tâm lý học màu sắc liên quan đến giới tính của Joe Hallock là Colour Assignment. Trong đó chỉ rõ sự khác biệt sở thích về một số màu nhất định giữa các giới. Tuy nhiên, môi trường của một người, đặc biệt là nhận thức văn hóa có thể ảnh hưởng rất lớn đến sở thích màu sắc cá nhân.
Nghiên cứu bổ sung về nhận thức và sở thích màu sắc cho thấy: Khi nói đến sắc thái, tông màu và màu sắc, đàn ông thường thích màu đậm trong khi phụ nữ thích màu sắc mềm hơn.
Dựa vào những sở thích màu sắc của các giới và cảm xúc mà màu sắc mang lại, các Marketer có thể lựa chọn tone màu phù hợp với đối tượng cũng như mục tiêu của ấn phẩm hay chiến dịch truyền thông.
Ảnh hưởng của các màu sắc trong marketing và branding
> Làm Branding, Nhất Định Phải Duy Trì Được Điều Này
> Làm Branding Quan Trọng Đối Với Hoạt Động Kinh Doanh Như Thế Nào?
1. Màu đỏ
Khi nói đến tính cách và tín hiệu hình ảnh, màu đỏ gợi lên những cảm xúc mạnh mẽ. Nó tượng trưng cho niềm đam mê, tình yêu, sự nhiệt huyết, lãng mạn và quyền lực,.. Trong marketing, màu đỏ còn được biết đến với tác động tăng nhịp tim và chủ yếu được sử dụng cho những người mua sắm bốc đồng.
Màu đỏ dễ gây chú ý, thể hiện sự khẩn cấp, thôi thúc hành động. Do đó, nó thường được sử dụng tại các điểm bán. Các nút kêu gọi hành động mua hàng thường sử dụng màu đỏ vì nó toát lên cảm giác cấp bách. Đồng thời, màu đỏ cũng dễ kích thích sự thèm ăn. Bởi vậy chúng thường được sử dụng trong lĩnh vực ẩm thực.
2. Màu vàng
Màu vàng tượng trưng cho sự lạc quan, trẻ trung, căng tràn năng lượng. Nó kích thích tinh thần, khuyến khích giao tiếp, gia tăng cảm xúc vui vẻ. Trong tiếp thị, nó thường được sử dụng để thu hút sự chú ý của những người mua sắm qua loa.
Một nghiên cứu cho thấy, vàng là màu sắc đầu tiên mà trẻ sơ sinh phản ứng. Đó là lý do tại sao nó thường được sử dụng trên hầu hết các sản phẩm và đồ chơi trẻ em. Màu vàng có một trong những bước sóng dài nhất, khiến nó trở thành một trong những màu sắc hấp dẫn nhất về mặt tâm lý.
Màu vàng cũng rất dễ thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, quá nhiều màu vàng dễ gây ra cảm xúc lo lắng, thậm chí là khó chịu. Bạn phải cân bằng khi sử dụng màu sắc này.
McDonald’s đã tận dụng rất tốt tính tích cực của màu vàng trên các mái vòm. Màu vàng thương hiệu, được kết hợp với tông màu đỏ tạo cảm giác thèm ăn. Sự phối hợp này đã tạo ra sự liên kết giữa trẻ trung và vui vẻ cho chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh. Happy Meals được trang bị mặt cười màu vàng càng khẳng định danh tiếng thân thiện với trẻ em.
3. Màu xanh dương
Màu xanh dương được bình chọn là màu yêu thích của thế giới, đặc biệt là của nam giới. Nó mang lại cảm giác an toàn, ổn định, sự tin tưởng và tính chuyên nghiệp. Do đó nó thường được sử dụng trong các lĩnh vực đòi hỏi sự tin tưởng như dịch vụ, mạng xã hội, công nghệ, tài chính, y tế,..
4. Màu cam
Màu cam gợi lên sáng tạo, nhiệt tình và can đảm. Mặc dù cũng là màu sắc thu hút, nhưng nó không mang tính chỉ huy như màu đỏ. Nó cũng dễ tác động đến những người mua tùy hứng. Vậy nên, nhiều Marketer vẫn sử dụng màu cam để kêu gọi hành động trên website.
5. Màu xanh lá
Màu xanh lá cây tượng trưng cho sự sống. Nó mang lại cảm giác thư thái, sức khỏe, thịnh vượng, hy vọng và tươi mới. Trong tiếp thị, màu xanh lá cũng thường được sử dụng trong các cửa hàng để tạo cảm giác thư thái. Nó thường được liên kết với những người giàu có hay sự chất lượng.
Có thể thấy, màu sắc là một yếu tố quan trọng trong ngành tiếp thị quảng cáo. Hiểu tâm lý học màu sắc sẽ giúp Marketer chiến thắng tại điểm bán. Hay quản lý tốt các ấn phẩm với quy tắc màu sắc tiêu chuẩn sẽ giúp nhãn hàng xây dựng & duy trì hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ phần nào sự quan trọng của yếu tố màu sắc trong việc xây dựng chiến lược branding & marketing.