Chuyển tới nội dung

Marketing có bao nhiêu mảng?

    Là một lĩnh vực rộng lớn, marketing gồm nhiều mảng với nhiệm vụ, chức năng khác nhau. Điều này dễ khiến các bạn mới bước vào ngành công nghiệp sáng tạo hoang mang khi lựa chọn mảnh đất cho mình. Vậy nên, bài viết hôm nay, A2Z Marketing sẽ giải đáp câu hỏi: Marketing có bao nhiêu mảng? Từ đó, các bạn có thể định hướng cho bản thân.

    Marketing có bao nhiêu mảng? 

    Branding

    Ngày nay, khi cạnh tranh thị trường ngày một tăng cao, các doanh nghiệp đã chú trọng hơn vào branding. Hay làm thương hiệu. Vậy làm thương hiệu là làm gì?

    Nhiệm vụ của branding là xây dựng các chiến lược có tính nhất quán, chặt chẽ nhằm tạo ra một cái tên hoặc một hình ảnh sản phẩm trong tâm trí khách hàng; tạo ra sự khác biệt trên thị trường để thu hút nhóm khách hàng mục tiêu. Branding tập trung vào phát triển độ nhận diện và niềm tin thương hiệu, cũng như mở rộng tiếp cận thị trường của sản phẩm. 

    Brand team trong doanh nghiệp sẽ là người xây dựng, chăm sóc, quản lý mọi yếu tố liên quan đến thương hiệu từ định vị giá trị thương hiệu đến phát triển nhận diện và truyền thông thương hiệu,.. Brand team sẽ lên các chiến lược phát triển thương hiệu, qua các chiến dịch truyền thông để giao tiếp với khách hàng, từ đó thay đổi nhận thức, thói quen và hành vi của họ.

    Brand team luôn không ngừng tìm kiếm, đổi mới phương thức truyền đạt bản sắc nhất quán của thương hiệu một cách hấp dẫn và ý nghĩa nhất. Từ đó truyền tải những giá trị vô hình của sản phẩm tới khách hàng, thay vì chỉ trình bày các tính năng của sản phẩm một cách đơn điệu.

    Brand team phải tiếp xúc và làm việc với nhiều số liệu và đối tượng khác nhau, từ nội bộ cho đến outsource. Do đó, người làm brand cần có tư duy logic, phân tích tốt các con số, dữ liệu. Đồng thời cũng cần khả năng giao tiếp và làm việc nhóm tốt.

    Market Research

    Với những doanh nghiệp lớn, cảm nhận cá nhân về thị trường là chưa đủ. Vậy nên, bộ phận Market Research hay còn gọi là nghiên cứu thị trường ra đời, nhằm đáp ứng nhu cầu phân tích thị trường một cách logic và chính xác nhất.

    Bộ phận này có nhiệm vụ thu thập, phân tích và diễn giải các thông tin của thị trường, sản phẩm hay dịch vụ. Từ đó đưa ra lời giải đáp cho các câu hỏi của doanh nghiệp. Các dữ liệu của Market Research có thể cho doanh nghiệp biết được quá khứ, hiện tại và dự đoán tương lai của một lĩnh vực, ngành hàng hay sản phẩm nào đó. Từ đó, doanh nghiệp có thể đo lường được hiệu quả hoạt động, đồng thời giảm thiểu rủi ro vận hành.

    Market Research là sân chơi cho những người có khả năng phân tích, lập luận logic và đam mê tìm hiểu những ẩn số đằng sau các dữ liệu. Một người làm research sẽ cần am hiểu về thị trường, ngành hàng cũng như người tiêu dùng của mình. Bởi họ sẽ chính là người trực tiếp phỏng vấn định tính, nghiên cứu, tổng hợp và phân tích dữ liệu để đưa ra lời giải cho bài toán doanh nghiệp. Từ các kết quả này, Brand Team sẽ đưa ra được chiến lược, định hướng cho các chiến dịch marketing tiếp theo.

    Nếu ai đó còn băn khoăn: “Không sáng tạo có làm marketing được không?” thì đây chính là lời giải đáp. Tuy nhiên, thường thì chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có riêng bộ phận này. Mặc dù xu hướng sử dụng dữ liệu trong marketing đã ngày càng phổ thông hơn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có bộ phận chuyên môn, hoặc đủ ngân sách để thuê outsource. Một điều minh chứng rõ nhất cho nhu cầu này chính là sự đổ bộ của các Research Agency.

    Product Marketing

    Nhiều người mới bước chân vào marketing dễ nhầm lẫn giữa branding và product marketing. Nếu như branding chú trọng vào hình ảnh và độ nhận diện thương hiệu thì product marketing tập trung vào quá trình tung sản phẩm ra thị trường. Quá trình này sẽ bao gồm từ khâu định vị giá trị và truyền tải thông điệp của sản phẩm cho đến thử nghiệm, ra mắt và quảng bá sản phẩm. 

    Product marketing nhấn mạnh vào tính năng cũng như sự ảnh hưởng của sản phẩm đến đời sống khách hàng để quảng bá. Từ đây theo sát nhằm đảm bảo đưa sản phẩm đến đúng nhóm đối tượng mục tiêu. Đồng thời tác động từng bước đến quá trình đưa ra quyết định lựa chọn của khách hàng. Từ đó chịu trách nhiệm trực tiếp về doanh thu sản phẩm. 

    Vì vậy, đôi khi người làm product marketing cần có chút tư duy về kinh doanh.

    Creative

    Dựa trên các dữ liệu của đội Market Research, Brand Team sẽ đưa ra định hướng và mục tiêu cho các chiến dịch mới. Creative Team sẽ nhận mục tiêu đó để sáng tạo ý tưởng và biến chúng thành sản phẩm thực tế, nhằm hoàn thành mục tiêu của nhãn hàng.

    Các sản phẩm của Creative Team có đa dạng hình thái. Nó có thể là một sự kiện; một TVC; một ấn phẩm quảng cáo in ấn; hay một chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội;..

    Đối với những người làm Creative trong Agency, sáng tạo thôi là chưa đủ. Sự sáng tạo đó phải dựa trên bản brief của Client. Kể cả trong Client, marketer cũng phải sáng tạo dựa trên mục đích, mục tiêu và ngân sách của doanh nghiệp. Một ý tưởng hay nhưng lệch target hoặc không phù hợp với ngân sách thì cũng không thể sử dụng được.

    Trade Marketing

    Trade Marketing tập trung vào tiếp thị B2B, liên kết doanh nghiệp với doanh nghiệp, nhằm đưa sản phẩm lên kệ hàng cung ứng của đối tác. Sự xuất hiện của các sản phẩm trong siêu thị, tạp hóa hoặc những promotion girl giới thiệu sản phẩm tại sự kiện chính là sự hiện diện của hình thức marketing này. 

    Nếu như Brand Team nhắm tới nhóm người tiêu dùng cuối cùng (consumer), trực tiếp sử dụng sản phẩm, dịch vụ, thì Trade Marketing lại nhắm đến những người mua hàng (shopper). Nếu như nhiệm vụ của Brand Team là giành vị trí trong tâm thức của khách hàng, thì Trade Marketing có nhiệm vụ lôi kéo shopper tại điểm bán trở thành khách hàng của mình.

    Từ nghiên cứu về ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), 70% quyết định mua hàng diễn ra tại điểm bán. Bởi vậy, Trade Marketing là một trong những bộ phận chịu trách nhiệm chính về doanh thu của doanh nghiệp. Do đó, những người làm Trade Marketing cần có tinh thần chịu áp lực cao. Các chiến lược phân phối, chương trình khuyến mãi, những hoạt động activation,.. Tất cả đều nằm trong tay người làm Trade Marketing.

    Digital Marketing

    Digital Marketing là giải pháp tiếp thị thông qua các chiến lược, kênh, công cụ trên những nền tảng số như Youtube; Google; Facebook;.. Từ tối ưu công cụ tìm kiếm (SEO) đến quảng cáo trả phí trên đa nền tảng (Facebook Ads; Google Ads;..), hay tiếp thị qua email;.. Tất cả đều nằm trong Digital Marketing.

    Đây cũng là một mảng lớn trong marketing, trong đó bao gồm:

    • Quảng cáo: Tập trung vào tối ưu hóa các yếu tố về kỹ thuật như lượt hiển thị, click quảng cáo, ngân sách;.. Từ đó, giúp quảng cáo đạt mục tiêu đề ra (tăng nhận thức về thương hiệu; tăng lượt truy cập website; tăng lượt điền data khách hàng;..) một cách hiệu quả hơn với một ngân sách tối ưu hơn.
    • Search Marketing: Tập trung vào việc tối ưu thứ hạng của thương hiệu trên các công cụ tìm kiếm. Mảng này yêu cầu kiến thức về nghiên cứu từ khóa, tối ưu SEO offpage, onpage;..
    • Content: Tập trung vào việc sáng tạo nội dung trên các nền tảng sao cho khách hàng có những phản hồi tích cực với thương hiệu. Ngày nay, người làm content không chỉ cần viết tốt mà còn cần có gu thẩm mỹ, cũng như kiến thức, sự am hiểu về trải nghiệm người dùng trên các nền tảng số. Từ đó, người làm content mới có thể sản xuất ra được các sản phẩm phù hợp với từng kênh.

    Thời đại công nghệ phát triển, Digital Marketing đã trở thành một chủ đề “nóng” với giới trẻ cũng như các doanh nghiệp. Bạn có thể tham khảo một trong những mảng nhỏ trong Digital Marketing để dấn thân vào ngành công nghiệp sáng tạo.

    > Phòng Marketing trong Client và Agency khác nhau như thế nào?

    Tuy nhiên, ngoài lời giải đáp cho câu hỏi: Marketing có bao nhiêu mảng?, bạn cũng cần có kiến thức về các doanh nghiệp để định hướng con đường phù hợp hoặc muốn theo đuổi. Để tìm hiểu sâu hơn, hãy xem blog: Agency Marketing hay Client? – Nên theo con đường nào?

    A2Z Marketing

    Để lại một bình luận