Khi bước chân vào ngành marketing, chúng ta thường được nghe kể về Client và Agency. Vậy Client và Agency là gì? Chúng khác nhau như thế nào? A2Z Marketing sẽ giải đáp cho bạn câu hỏi này.
Client là gì? Agency là gì?
Ngày còn bé, chúng ta đã được tiếp xúc và thường bị cuốn hút bởi những đoạn quảng cáo với giai điệu hay, hình ảnh hấp dẫn, nội dung đầy ý nghĩa mà xuýt xoa: “sao lại chỉ có vỏn vẹn 30 giây“. Lớn hơn, ta biết được, hóa ra Omo, Milo, Coca Cola,.. lại chỉ là những sản phẩm thuộc cùng một tập đoàn. Tìm hiểu sâu hơn, ta lại biết được một tập đoàn còn có nhiều nhãn hàng cùng cạnh tranh nhau. Ta “ồ” lên thích thú khi biết Pepsi và 7Up cùng thuộc Pepsico; Pond’s và Vaseline cùng thuộc Unilever;..
Đọc sách về marketing, ta lại biết được bên cạnh những đoạn TVC lấy đi nước mắt, những Print-Ads hút mắt đầy ý nghĩa thì còn có cả những chiến lược về thương hiệu và sản phẩm, chiến lược phân phối và định giá. Ta bỗng thấy marketing như một bầu trời đầy thách thức và hấp dẫn. Tự nhủ và định hướng các tập đoàn như Unilever sẽ là điểm đến trong tương lai.
Đi sâu hơn, ta lại “ngã ngửa”: “hóa ra những đoạn TVC hay mẫu Print-Ads mình từng xuýt xoa lại không phải được sản xuất bởi tập đoàn mà mình vẫn biết“. Agency – những công ty cung cấp dịch vụ tiếp thị và quảng cáo mới là nơi trực tiếp làm ra thứ ta tôn thờ bao lâu nay. Còn các tập đoàn như Unilever là Client – những công ty kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng. Họ chỉ làm các khâu “đầu – cuối” của các ấn phẩm quảng cáo này: đưa ra yêu cầu và lựa chọn giải pháp từ Agency.
Vậy, Client chính là khách hàng của Agency. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc các marketer chỉ có thể apply vào Agency. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn đều có phòng marketing cho riêng mình. Tùy vào nhu cầu công việc mới thuê thêm Agency để hỗ trợ.
Cơ cấu phòng Marketing trong Client và Agency
Phòng Marketing tại Client
Cơ cấu phòng Marketing tại doanh nghiệp lớn
Phòng Marketing tại Client còn được gọi là Marketing Inhouse. Tại các doanh nghiệp lớn, Marketing Inhouse thường được chia thành 2 bộ phận: Brand Team và Marketing Service.
Brand Team
Brand Team là bộ phận chịu trách nhiệm xây dựng hình ảnh thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Các tập đoàn lớn thường sử dụng chiến lược đa thương hiệu, không chỉ có một brand duy nhất. Vì vậy, cùng một dòng sản phẩm, tập đoàn có thể có tới hàng chục thương hiệu khác nhau, cạnh tranh lẫn nhau. Và mỗi thương hiệu nhỏ này sẽ do một Brand Team phụ trách.
Bạn có thể tham khảo lộ trình phát triển tại Brand Team: Intern – Marketing Executive – Assistant Brand Manager – Brand Manager/ Senior Manager – Marketing Director.
Marketing Service
Marketing Service thường bao gồm các bộ phận: Research; Digital; Media; E-commerce;.. có vai trò hỗ trợ Brand Team. Tùy thuộc vào quy mô công ty mà các bộ phận này có thể không đầy đủ.
Marketing Service cũng có các vị trí cơ bản: Intern; Marketing Executive; Assistant Manager; Marketing Manager.
Cơ cấu phòng Marketing tại doanh nghiệp nhỏ
Đối với các doanh nghiệp nhỏ, phòng Marketing được tối ưu nghiệp vụ với khoảng 3-5 thành viên:
- 1 Leader/ trưởng phòng chịu trách nhiệm về kế hoạch, chiến lược marketing và theo sát, quản lý team.
- 1-2 Content đảm nhận sáng tạo nội dung cho website; email; các kênh social của doanh nghiệp.
- 1 Designer/ Video Editor có trách nhiệm hỗ trợ Content, sản xuất các ấn phẩm hình ảnh và video.
- 1 nhân viên kỹ thuật có thể là về SEO (tối ưu từ khóa trên trang tìm kiếm của Google) hoặc quảng cáo Google Ads, Facebook Ads,..
Bởi phòng Marketing Inhouse chỉ phục vụ duy nhất cho một doanh nghiệp, nên yêu cầu nhân sự cần có sự thấu hiểu sản phẩm, dịch vụ cũng như thương hiệu của doanh nghiệp. Cạnh đó, bạn cũng cần sự chủ động, tập trung trong công việc. Có tư duy và đam mê trong kinh doanh cũng sẽ là một điểm cộng khi làm tại Client.
> Marketer và những kĩ năng cần có trong ngành marketing
Phòng Marketing tại Agency
Tại Agency, phòng Marketing thường được chia làm 3 bộ phận chính. Cụ thể:
Account
Account chịu trách nhiệm tìm kiếm khách hàng và khai thác nhu cầu của họ. Từ đó, Account phân tích và đưa ra ý tưởng, phương hướng truyền thông và định hướng cho team Creative sao cho chiến dịch đạt hiệu quả tốt nhất.
Planning
Planner tại phòng kế hoạch đảm nhận nhiệm vụ:
- Từ brief mà Account khai thác được từ khách hàng, xây dựng kế hoạch và chiến lược hoạt động.
- Quản lý và phân phối ngân sách marketing.
- Phân chia công việc và đặt KPIs cho team Creative.
- Theo sát và đánh giá hiệu quả công việc, đưa ra hướng đi hoặc phương án giải quyết khi có vấn đề phát sinh.
Creative
Creative team chịu trách nhiệm lên ý tưởng và sản xuất nội dung (con chữ, hình ảnh, video) phục vụ cho chiến dịch Marketing đã đề ra. Creative team được chia thành 2 mảng:
- Mảng nội dung: Với Copywriter chịu trách nhiệm về mặt nội dung, con chữ trên website; các kênh social hoặc ấn phẩm quảng cáo.
- Mảng hình ảnh: Với Designer/ Video Editor chịu trách nhiệm về mặt hình ảnh của các media, hỗ trợ Copywriter vừa đưa thông điệp vào ấn phẩm quảng cáo vừa có “phần nhìn” thu hút, ấn tượng.
Tuy nhiên, Agency cũng có nhiều loại hình khác nhau. Tùy vào lĩnh vực hoạt động mà cơ cấu nhân sự cũng có sự thay đổi.
Bởi Agency phục vụ nhiều khách hàng (Client) khác nhau, nên yêu cầu nhân sự cần có sự linh hoạt; khả năng phân tích vấn đề nhanh chóng; hiểu biết nhiều lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, marketer tại Agency cũng cần yêu thích sự đổi mới; cập nhật thông tin nhanh và chịu được áp lực công việc.
Đến đây, bạn đã hiểu được sự khác nhau giữa Agency và Client chưa? Bạn đã biết mình muốn theo con đường nào rồi chứ?