Content Writer – Copywriter – Content Creator là những khái niệm mà một newbie mới bước vào marketing rất dễ nhầm lẫn. Nếu không phân biệt được 3 vị trí này, bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian trên con đường định hướng sự nghiệp của mình.
Content Writer là ai?
Có thể hiểu một cách đơn giản, Content Writer là người sản xuất nội dung bằng văn bản, nhằm mang lại các thông tin hữu ích cho độc giả. Các sản phẩm của họ là mô tả sản phẩm, bài viết chuẩn SEO, bài viết blog, ebook,..
Content Writer là một nhân tố quan trọng trong việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) của doanh nghiệp.
Content Creator là ai?
Nếu như Content Writer giới hạn nội dung sản xuất ở con chữ thì Content Creator vượt xa giới hạn này. Bất cứ ai tạo ra nội dung trên bất cứ nền tảng nào (Facebook; Tiktok; Instagram;..) dưới bất kỳ hình thức nào (văn bản; hình ảnh; video; âm thanh;..) nhằm truyền tải thông tin với một chủ đích có sẵn đều là Content Creator.
Một Content Creator có thể là nhà văn, nhà báo hay Vlogger, Tiktoker, Streamer,..
Khi tuyển một Content Creator có nghĩa là doanh nghiệp đang muốn tạo ra một loạt nội dung hấp dẫn và có giá trị, nhằm thu hút một nhóm độc giả cụ thể để phục vụ cho một mục tiêu marketing nào đó. Đôi khi những nội dung này không liên quan trực tiếp tới sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Copywriter là ai?
Trước tiên, ta phải hiểu Copy trong Copywriter có nghĩa là gì. Nhiều người dịch word by word hiểu Copy là sao chép và Copywriter là người sao chép nội dung xong sửa sang thêm đôi chút. Tuy nhiên, Copy ở đây là một thuật ngữ trong marketing, chỉ phần văn bản trong các mẫu quảng cáo.
Copywriter và Content Writer có điểm chung là đều tập trung sản xuất nội dung bằng con chữ. Tuy nhiên, Copywriter chỉ tạo ra nội dung cho các ấn phẩm tiếp thị và quảng cáo bằng văn bản như: tên sản phẩm; tên thương hiệu; tagline; slogan; key message; kịch bản TVC;..
Điểm khác biệt giữa Content Writer và Copywriter còn nằm ở mục đích cuối của sản phẩm. Nếu như Content Writer chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin giá trị, thì Copywriter hướng đến việc tạo thuyết phục độc giả thực hiện một hành động nào đó. “Hành động” ở đây có thể là điền vào mẫu thông tin; gọi đến hotline; thực hiện mua hàng,.. Hay chỉ đơn giản là ghi nhớ đến một cái tên nào đó. Do đó, Content Writer thường viết sao cho dễ hiểu nhất, còn Copywriter phải viết sao cho giàu cảm xúc nhất mới tác động được đến hành vi độc giả.
Ngày nay, nhiều doanh nghiệp tích hợp nhiệm vụ của Copywriter vào Content Writer. Cụ thể, vị trí Content Writer bao gồm cả các đầu việc sáng tạo ấn phẩm truyền thông & tiếp thị như TVC; viral clip; lên ý tưởng và concept truyền thông,.. Hay ngược lại, Copywriter cần kỹ năng sản xuất nội dung chuẩn SEO.
Nếu muốn chuyên môn hóa công việc, các bạn nên vào Agency. Bởi khối lượng công việc trong nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thường ít. Do đó, họ thường để Content làm đa nhiệm.
Phân biệt Content Writer – Copywriter – Content Creator
Nếu xét về tính chuyên môn thì 3 vị trí Content Writer – Copywriter – Content Creator không có sự khác biệt quá lớn. Tuy nhiên, nếu đi sâu hơn vào vai trò của từng vị trí thì bạn sẽ nhận thấy rõ sự khác biệt. Cụ thể hơn, bạn có thể tham khảo bảng so sánh sau:
Vị trí | Content Creator | Content Writer | Copywriter |
Vai trò | Tạo nội dung hấp dẫn người xem | Tạo nội dung hữu ích với độc giả | Tạo nội dung nhằm thuyết phục độc giả hành động |
Mục đích của nội dung | Giáo dục; giải trí; quảng cáo;.. | Tuy không đề cập trực tiếp đến việc mua hàng nhưng phải có sự liên quan đến sản phẩm và thương hiệu nhằm gián tiếp thúc đẩy độc giả mua hàng. | Trực tiếp thuyết phục độc giả thực hiện một hành động nào đó. |
Nguyên liệu nội dung | Văn bản; hình ảnh; video; âm thanh | Văn bản | Văn bản |
Kênh phân phối nội dung | Mọi nền tảng | Thường là Website; Social media; Email; Newsletter | Ấn phẩm truyền thông & tiếp thị |
Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về nghề content nói chung. Đồng thời hiểu được bản chất cũng như phân biệt được 3 vị trí Content Writer – Copywriter – Content Creator.