Chuyển tới nội dung

Bình lương thiên hạ | Ngành marketing

    LƯƠNG LẬU đang là một trong những chủ đề sôi nổi nhất trong ngành marketing, khi mà nhiều ứng viên chê doanh nghiệp trả lương thấp, còn doanh nghiệp thì chê ứng viên đòi hỏi cao. Vậy nên, A2Z Marketing cũng muốn đóng góp một số trải nghiệm & quan điểm cá nhân về chủ đề này. Cụ thể là về nghề content.

    binh-luong-thien-ha-nganh-marketing
    Bình lương thiên hạ | Ngành Marketing.

    Nguyên nhân 

    Có 3 nguyên nhân chính tạo nên những luồng ý kiến trái chiều này:

    1. Hiện chưa có một chuẩn mực lương chính thức nào cho các vị trí. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng A nhìn B trả thế là mặc định rank lương như thế.
    2. Doanh nghiệp chưa có kiến thức về ngành & sự tham khảo về thị trường lương ngành đó. Vậy nên A chỉ biết là vị trí Content phụ trách xyz & bên B đang trả vị trí này lương abc. Gộp 2 cái lại thành: Làm xyz trong suy nghĩ của A với mức lương bên B trả mà không rõ phạm vi công việc & yêu cầu của 2 doanh nghiệp có giống nhau không.
    3. Ứng viên chỉ nhìn bề nổi của tảng băng chìm. Bên cạnh sự thiếu kiến thức ngành của doanh nghiệp là sự mơ hồ của ứng viên. Bây giờ lướt Tiktok hay Facebook đều dễ dàng bắt gặp các content giật tít “vừa ra trường lương đã xx triệu”. Nhiều người chỉ đọc lướt, hay người viết content không đi sâu, chỉ nói bề nổi. Có thể điều này chính là nguyên nhân khiến một bộ phận tự suy diễn mức lương cho chính mình. Rồi nhìn vào các doanh nghiệp, không có sự so sánh thêm mà chê không thương tiếc.

    Vậy làm thế nào để đánh giá một mức lương có hợp lý hay không?

    Những yếu tố ảnh hưởng đến lương của một vị trí 

    1. Rank lương của vị trí đó trên thị trường.

    Dù không có một chuẩn mực chung, nhưng sẽ có một rank lương nhất định cho các vị trí trên thị trường. Thông tin này có thể tìm kiếm ở:

    • Báo cáo thị trường tuyển dụng hàng năm của các trang/ doanh nghiệp lĩnh vực tuyển dụng: Trên này chỉ mang tính chất tham khảo, bởi con số đa phần tổng hợp từ mức lương doanh nghiệp toàn quốc. Mà giữa thị trường bắc & nam đôi khi có sự khác biệt về thu nhập.
      • Ưu điểm: Người xem có thể nhanh chóng nắm bắt được thị phần, rank lương người lao động theo các ngành nghề, các lĩnh vực với các mức kinh nghiệm, cấp bậc,.. khác nhau.
      • Nhược điểm: Nếu không có những kiến thức & trải nghiệm thực tế, người xem dễ bị “ảo” lương.
    • Các group tuyển dụng: 
      • Ưu điểm: Hoạt động khá sôi nổi, cập nhật liên tục từng ngày. 
      • Nhược điểm: Nhiều tin tuyển dụng “hời hợt”, không public phạm vi công việc, lĩnh vực doanh nghiệp & rank lương, yêu cầu inbox. 
    • Các cấp quản lý trong lĩnh vực đó: Cái này không có đánh giá ưu nhược điểm, rất khó đánh giá chung. Vì tùy thuộc ngành nghề, lĩnh vực & định hướng phát triển, các quản lý sẽ có những cách làm việc & mindset khác nhau. 

    2. Khối lượng & (yêu cầu) chất lượng công việc.

    Có một hiện thực là: Không phải cùng một chức danh thì phạm vi & yêu cầu công việc đều giống nhau. 

    Cùng làm content, nhưng sẽ có người chỉ cần tập trung vào chất lượng với khối lượng công việc vừa phải, nhưng cũng có người phải sản xuất công nghiệp để cho ra số lượng đảm bảo KPIs. Ngay kể cả khi khối lượng công việc nhóm tập trung chất lượng nhiều, thì họ cũng sẽ nhận được mức lương nhiều hơn.

    Có thể ở một thời điểm 2 nhóm content này lương same same nhau. Nhưng tùy vào thị trường & ngành nghề sẽ có sự biến động đến lương của 2 nhóm này. Đơn cử như sự xuất hiện của Chat GPT sẽ có khả năng sẽ “khử”  hoặc “hạ giá” nhóm làm công nghiệp trong tương lai.

    Vậy nên, lời khuyên chân thành cho các bạn là: Nếu tích lũy còn ít, có thể lương thấp hơn chút, nhưng hãy cố gắng chọn môi trường cho mình được đảm bảo về chất lượng công việc.

    3. Lĩnh vực của doanh nghiệp.

    Các nghề trong các lĩnh vực khác nhau cũng có sự phân hóa về lương. Sẽ có những lĩnh vực không quá kén người, nhưng cũng sẽ có những lĩnh vực đặc thù, yêu cầu phải có kiến thức về ngách của doanh nghiệp đó. Ví dụ như: Công nghệ; Blockchain; Tài chính; Dược phẩm; Y tế;.. 

    Việc gì yêu cầu càng cao, thì mức lương càng hấp dẫn.

    4. Quy mô doanh nghiệp

    Tùy vào quy mô mà doanh nghiệp sẽ có mức đầu tư khác nhau cho nhân sự. Phạm vi, yêu cầu công việc; mức lương;.. ở các doanh nghiệp nhỏ & doanh nghiệp lớn sẽ có sự khác nhau.

    5. Khu vực

    Ở phố thị & nông thôn, ở miền Nam & miền Bắc luôn có sự khác nhau về nhu cầu ngành nghề & thu nhập. Nơi nào tập trung nhiều doanh nghiệp lớn thì thu nhập ở khu vực đó cũng cao hơn.

    Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức lương. Vậy nên đừng chỉ hỏi: “Trả bao nhiêu cho vị trí content là hợp lý?” hay “Bình thường bạn làm content lương bao nhiêu?” để kết luận.

    Những yếu tố để doanh nghiệp đánh giá ứng viên ngành marketing

    Các doanh nghiệp đã có định hình cụ thể về vị trí cần tuyển thường sẽ có JD chi tiết kèm các yêu cầu cụ thể về kinh nghiệm, định hướng,.. Tuy nhiên, đâu sẽ là yếu tố để đánh giá ứng viên?

    • Kinh nghiệm đã từng làm ở vị trí đó

    Kinh nghiệm bao gồm các công việc ứng viên đã từng làm & thời gian đã làm những công việc đó. Yếu tố này sẽ thể hiện mức độ “biết việc” của ứng viên.

    • Kinh nghiệm làm trong ngách của doanh nghiệp (nếu có)

    Hiểu sản phẩm & lĩnh vực thì sẽ nắm bắt việc nhanh. Vậy nên đã từng làm trong lĩnh vực của doanh nghiệp sẽ là một điểm cộng. Thậm chí một số doanh nghiệp yêu cầu điều kiện cần để ứng tuyển là đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực họ đang hoạt động.

    • Chất lượng công việc đã từng làm

    Ngày trước có thể chỉ dừng ở việc xem các sản phẩm của ứng viên trông có hợp gu, vừa tiêu chuẩn hay không. Nhưng ngày nay, khi thị trường nghề dần bão hòa thì nhiều doanh nghiệp đã sàng lọc hơn với câu hỏi: “Bạn đã làm được gì?”

    Nếu như sale cần show được số lượng data khách hàng đã kiếm & chuyển đổi được, thì Content cần show ra được con số tăng trưởng của kênh, tỷ lệ chuyển đổi của content,.. Khi nắm chắc được những điều này, thì ứng viên sẽ là người nắm quyền chủ động.

    Nếu những gì bạn đã làm được đủ hấp dẫn, thì thậm chí kinh nghiệm sẽ là yếu tố xếp sau. Nhiều người vẫn đang theo mindset cũ là kinh nghiệm lâu thì lương phải cao hơn. Tuy nhiên, với đặc thù nghề marketing thì miễn bạn giỏi, bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn. Lâu năm chỉ có giá trị khi bạn tạo nên được sự tăng trưởng nhất định cho doanh nghiệp trong khoảng thời gian đó. Còn nếu chỉ là chuỗi ngày đi làm & chấm công, bạn sẽ dần bị thụt lùi với sự sàng lọc của doanh nghiệp.

    Bây giờ không ít các bạn trẻ có mức lương cao. Khi deal được giá với doanh nghiệp là tức là họ đã chứng minh được năng lực của mình. 

    • Sự phù hợp

    Đôi khi, một ứng viên xuất sắc chưa chắc đã là điều phù hợp với doanh nghiệp. Nỗi sợ chung của các doanh nghiệp là ứng viên đến rồi đi như một cơn gió. Vậy nên, xuất sắc là chưa đủ, doanh nghiệp còn cần sự phù hợp. Phù hợp về phong cách làm việc, mục tiêu, định hướng,.. 

    Một người có mục tiêu & định hướng thường sẽ biết mình muốn gì & cần gì. Vậy nên họ sẽ rất rõ ràng khi quyết định bước chân vào một doanh nghiệp. Khả năng & mức độ kiên trì giải quyết vấn đề của họ sẽ cao hơn người không có mục tiêu & định hướng. Điều này sẽ tăng khả năng gắn bó của họ đối với doanh nghiệp, nhất là trong thực trạng doanh nghiệp nào cũng sẽ có một vài vấn đề.

    Đối với content, sự phù hợp còn nằm ở văn phong có phù hợp với hình tượng nhãn hàng xây dựng, tệp khách nhãn hàng hướng tới,.. hay không.

    Ứng viên offer lương thế nào cho hợp lý?

    “Hợp lý” trong trường hợp này là gì?

    Đó là điểm giao của mục tiêu, năng lực & nhu cầu.

    Mình vẫn luôn bảo các bạn bên dưới: Làm việc phải có mục tiêu. Đam mê cũng được. Tiền bạc cũng được. Mà cả 2 cũng được. Nhưng nhất định phải biết mục tiêu của mình là gì và mình đang ở đâu.

    Nếu mục tiêu giai đoạn này của bạn chỉ đơn thuần là tiền, thì cứ bên nào lương cao nhất bạn chọn. Tuy nhiên, bạn cần biết: Lương cao thì hoặc là khối lượng công việc lớn, hoặc là trách nhiệm cao. Tùy vào năng lực, đi phỏng vấn vài chỗ bạn sẽ biết mức lương cao nhất mình có thể kiếm là bao nhiêu.

    Nếu mục tiêu giai đoạn này của bạn là tích lũy kinh nghiệm, theo đuổi đam mê, bla bla,.. dài hạn thì đọc tham khảo mình dưới đây. Trường hợp muốn cả 2 thì để cuối cùng mình nói.

    1. Xem xét môi trường

    1.1. Tiềm năng phát triển của ngành hàng

    Đầu tiên, đã tính đến dài hạn thì phải nhìn tiềm năng của lĩnh vực doanh nghiệp nói chung và sản phẩm của doanh nghiệp nói riêng. Bởi đây là 2 yếu tố sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển dài hạn của bạn.

    “Tiềm năng” ở đây là gì? Là sản phẩm tốt, dự đoán đi được lâu dài. Là lĩnh vực đang hoặc dự đoán sẽ có xu hướng phát triển hay có khả năng phát triển dài hạn. 

    1.2. Định hướng công việc của doanh nghiệp

    Sẽ có những doanh nghiệp tập trung vào số lượng. Mà để đảm bảo KPIs thì chất lượng đôi khi rất khó kiểm soát. Nếu đã muốn tích lũy kinh nghiệm thì hãy theo đuổi chất lượng. Bởi đó mới là thứ có giá trị với nhà tuyển dụng trong round sau của bạn.

    Chúng ta bỏ ra rất nhiều tiền để đi học nâng cấp nghề nghiệp. Nhưng không phải ai cũng để ý, chúng ta có thể học & trau dồi thực tế từ những môi trường tốt, với những cấp trên có tâm & có tầm. Đó thực sự là những bài học giá trị. 

    Một môi trường có thể cho bạn điều kiện & đủ thời gian để làm ra các sản phẩm thật sự chất lượng không nhiều. Vậy nên, đây là một yếu tố để cân nhắc.

    1.3. Khả năng thăng tiến

    Nào ai muốn mãi ở một vị trí hay một mức lương đâu. Tuy nhiên, để tăng lương hay thăng tiến vị trí thì doanh nghiệp cần có định hướng & sự phát triển. Mình từng join vào một số bên nhỏ đã hoạt động lâu dài.Họ chỉ duy trì chứ chưa có kế hoạch phát triển. Mà khi doanh nghiệp không phát triển thì sẽ giới hạn khả năng phát triển của nhân sự. 

    Nếu doanh nghiệp có thể vạch ra cho bạn một lộ trình thì quá tuyệt vời!

    Với các yếu tố này, bạn hoàn toàn có thể đánh giá những giá trị vô hình có thể có được từ doanh nghiệp.

    2. Xem xét mức lương doanh nghiệp offer

    Sau khi phỏng vấn thì đến vòng deal lương. Nếu doanh nghiệp đề xuất một con số trong mức kỳ vọng của bạn thì không còn gì để nói tiếp. Nhưng nếu “không” đạt kỳ vọng, và bạn thì đang trong giai đoạn mục tiêu tích lũy năng lực thì hãy cân nhắc một chút về những giá trị vô hình của môi trường.

    Luôn có những điều chúng ta buộc phải đánh đổi. Một vài bài học từ trường “đời” mà chúng ta vô tình bỏ qua sẽ là bài giảng đắt giá mà sau này chúng ta phải đổi lại bằng tiền bạc.

    Và nếu lựa chọn những giá trị vô hình từ doanh nghiệp, hãy xem xét về khoản thu nhập so với thực tế nhu cầu sống hiện tại.

    Từng có một ông anh muốn hợp tác với mình. Sản phẩm & định hướng của anh cá nhân mình thấy khá tiềm năng và hứng thú. Tuy nhiên, mức lương fulltime ở giai đoạn đầu anh đề xuất chỉ bằng 60% mức kỳ vọng thì mình đã quyết định xin “hẹn một dịp không xa”. 

    Mình có thể giảm kỳ vọng nhưng chỉ trong một ranh giới nhất định. Bởi thời điểm đó, mình chưa cân bằng được tích lũy về tài chính, và gồng gánh khá nhiều khoản cố định. Vậy nên mình đành “say bye”. Chứ thú thật, mình rất muốn theo những người có chí & có tầm như vậy.

    Điều mình rút ra được là: À ừ thì có chạy theo đam mê nhưng vẫn cần tiền để sống. Tiền nhà vẫn phải trả, tiền ăn vẫn phải chi, xăng thì vẫn phải đổ,.. Vậy nên, cần xem xét tổng thu nhập có đủ đáp ứng nhu cầu sống hiện tại không đã.

    Trong một giai đoạn khác, mình sẵn sàng hạ rank lương hiện tại để join sang một lĩnh vực mà mình thấy tiềm năng. Đó là khi mình đang kinh doanh ổn định. Mình có tiền để nuôi song song đam mê thôi các bạn ạ :)) Kiếm tiền từ đam mê vẫn luôn là mục tiêu của mình. Nhưng mình biết bản thân vẫn đang trong giai đoạn tích lũy mà thôi. Nên mình kiếm tiền từ cái khác vậy!

    Kết luận: Nên cân nhắc về môi trường để có được những bài học mà mình còn thiếu. Nhưng cũng phải đảm bảo thu nhập đủ cho mức sống hiện tại của mình. 

    Mình tin rằng những môi trường tốt cũng sẽ có những offer phù hợp với bạn thôi. Nếu vấn đề chỉ nằm ở sự hoài nghi của doanh nghiệp về ứng dụng năng lực của bạn, thì đừng tiếc 2 tháng thử việc chứng minh để deal lại lương.

    Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ hữu ích với bạn!

    A2Z Marketing

    Để lại một bình luận