Chuyển tới nội dung

Kéo traffic về Shopee: Hiểu đúng hành trình khách hàng, đo lường đúng cách, chọn đúng chiến thuật

    Một bạn đang làm trong ngành thời trang từng hỏi mình:

    “Ngoài booking KOL, KOC thì còn cách nào kéo khách về Shopee nữa không chị? Em đang lăn tăn: gắn link Shopee trực tiếp trên bài đăng/stories của kênh mình thì liệu có hiệu quả? Hoặc thuê seeding comment link sàn trên các bài hotpage liệu có khả thi không? Và quan trọng là: làm sao để đo lường được hiệu quả từng kênh?”

    Câu hỏi nghe qua tưởng như chỉ xoay quanh việc chọn tactics – nhưng nhìn rộng ra là một bài toán lớn hơn: hiểu đúng hành trình khách hàng, đánh giá đúng hiệu quả, và chọn đúng chiến thuật dựa trên nguồn lực thực tế.

    Bài viết này sẽ không chỉ dừng lại ở việc phân tích cách kéo traffic về Shopee hiệu quả, mà còn đi xa hơn: giúp Startup và SME nhìn lại tổng thể chiến lược marketing của mình. Từ cách xây kênh, xây content, kiểm soát hành trình khách – đến việc đo lường và ra quyết định có cơ sở.

    Trong giai đoạn chuyển đổi số và cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều Startup và SME lựa chọn bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada để tận dụng lưu lượng truy cập lớn, giảm bớt chi phí đầu tư hệ thống ban đầu. Nhưng chính vì tập trung quá nhiều vào việc “kéo khách về sàn”, nhiều người đã quên mất bài toán tổng thể hơn: khách đó là ai, đang ở giai đoạn nào trong hành trình mua, và mình có giữ được họ không?

    Trên thực tế, traffic chỉ là một phần trong hành trình mua hàng. Nếu không hiểu rõ hành vi người dùng, không đo lường được hiệu quả, hoặc không có chiến thuật chuyển đổi phù hợp, mọi nỗ lực kéo traffic về Shopee có thể trở thành lãng phí nguồn lực.

    Bài viết dưới đây A2Z Marketing sẽ phân tích một cách có hệ thống bài toán “kéo traffic về Shopee” từ góc nhìn chiến lược, để hiểu đúng – làm đúng – và tối ưu hiệu quả bán hàng.

    Keo-traffic-ve-shopee
    Kéo traffic về Shopee: Hiểu đúng hành trình khách hàng, đo lường đúng cách, chọn đúng chiến thuật.

    Kéo traffic về Shopee chỉ là một phần trong hành trình khách hàng

    Trước khi bàn tới việc gắn link Shopee có hiệu quả không, điều đầu tiên cần làm rõ là: việc kéo traffic về Shopee chỉ là một mắt xích trong toàn bộ hành trình khách hàng. Từ lúc khách hàng nhận biết thương hiệu, tìm hiểu sản phẩm, đưa ra so sánh, cho đến khi ra quyết định mua hàng – mỗi giai đoạn đều cần chiến thuật và cách tiếp cận khác nhau.

    Việc gắn link Shopee chỉ thực sự hiệu quả khi được triển khai đúng lúc – đúng giai đoạn trong hành trình khách. Nếu người dùng chưa có đủ nhận diện, chưa đủ quan tâm hoặc chưa có lý do để click – thì dù link có xuất hiện bao nhiêu lần cũng khó có chuyển đổi.

    Do đó, trước khi hỏi “Có nên gắn link Shopee không?“, hãy tự hỏi:

    • Khách hàng đang ở giai đoạn nào trong hành trình?
    • Content đang phục vụ mục tiêu gì: tạo nhận biết, nuôi dưỡng, hay chuyển đổi?
    • Mục tiêu chính của chiến dịch là gì? Có phải kéo traffic về Shopee không?

    Chỉ khi hiểu rõ những điều này, việc kéo traffic về Shopee mới có ý nghĩa và có thể đo lường hiệu quả thực sự.

    Đối với các doanh nghiệp nhỏ hoặc cá nhân kinh doanh, các Owned Media như Fanpage, Instagram hoặc TikTok chính là tài sản quan trọng nhất. Việc gắn link Shopee trong các bài đăng hoặc story trên những kênh này có thể mang lại hiệu quả thực sự nếu nội dung được đầu tư tốt.

    Một số chỉ số đánh giá hiệu quả content social liên quan đến doanh thu:

    • Inbox: biểu hiện mối quan tâm trực tiếp.
    • Lượt xem ảnh/video: cho thấy mức độ hấp dẫn nội dung.
    • Lượt click vào link: hành vi chuyển tiếp rõ ràng.

    Để đo chính xác hiệu quả kênh kéo traffic về Shopee, có thể dùng:

    • UTM tracking để xác định nguồn traffic.
    • Link rút gọn (như Bit.ly hoặc Shopee shortlink) để kiểm tra lượt click.

    Lưu ý: Đừng nhầm lẫn giữa reach caohiệu quả. Reach chỉ là điều kiện cần. Nếu nội dung không đủ sức tạo hành vi mua, thì dù tiếp cận được hàng chục nghìn người, bạn vẫn không có đơn hàng nào.

    Kéo traffic về Shopee chỉ là 2/3 hành trình

    Khi khách click vào link Shopee, họ bắt đầu bước vào một “sân chơi” mà bạn không còn kiểm soát:

    • Shopee đề xuất hàng loạt sản phẩm tương tự.
    • Các chương trình Flash Sale, Deal sốc khiến khách phân tâm.
    • Sản phẩm của đối thủ có thể được ưu tiên hiển thị nếu tối ưu tốt hơn.

    Nếu sản phẩm của bạn không đủ nổi bật về hình ảnh, chất lượng, đánh giá, lượt mua,… thì nguy cơ mất khách là rất cao.

    Gợi ý chiến thuật:

    Với những ngành hàng như thời trang hoặc làm đẹp – nơi yếu tố cảm xúc đóng vai trò lớn, thay vì kéo traffic về Shopee từ kênh khác, việc giữ khách lại trên Owned Media và chuyển đổi trực tiếp có thể hiệu quả hơn.

    Không có tactic nào “không tốt” – chỉ có triển khai chưa đủ tốt

    Trong marketing, mỗi tactic đều là một công cụ – không có công cụ nào mặc định tốt hay xấu. Giá trị của nó nằm ở cách bạn sử dụng, triển khai và đo lường. Điều này đặc biệt đúng với các doanh nghiệp nhỏ như Startup và SME, khi mỗi quyết định triển khai đều cần cân nhắc kỹ về hiệu quả và chi phí.

    Trước khi lựa chọn bất kỳ tactic nào, hãy đặt chúng vào bức tranh tổng thể:

    • Mục tiêu chiến dịch là gì? (nhận diện, tương tác, chuyển đổi, giữ chân?)
    • Khách hàng đang ở đâu trong hành trình mua?
    • Nguồn lực hiện có đủ để triển khai tactic đó bài bản hay không?

    Một tactic tưởng chừng “phù hợp” có thể không hiệu quả, nếu:

    • Khách hàng chưa sẵn sàng mua (vì thiếu nhận diện)
    • Nội dung chưa đủ thuyết phục (dù đúng thời điểm)
    • Không đo lường được kết quả (dẫn đến không thể tối ưu)

    Từ góc nhìn này, các phương án kéo traffic về Shopee cũng chỉ là ví dụ cụ thể cho một nguyên lý tổng quát: hiệu quả đến từ cách triển khai – không phải từ bản thân tactic.

    Dù chọn cách nào, với Startup/SME, lời khuyên là: test nhỏ – làm chắc – tracking kỹ. Và luôn đặt tactic trong hệ quy chiếu của chiến lược tổng thể.

    Đo lường hiệu quả: Bắt buộc nếu muốn tối ưu chiến thuật và phân bổ nguồn lực

    “Làm sao để đo lường được hiệu quả từng kênh khi kéo traffic về Shopee?” là điểm chạm rất thực tế với nhiều bạn làm marketing tại các Startup hay SME. Thay vì chỉ trả lời bằng các công cụ đo lường riêng lẻ, chúng ta cần nhìn lại toàn bộ bức tranh: đo lường không chỉ là biết được kênh nào có đơn – mà là biết cách đánh giá, so sánh và ra quyết định phân bổ nguồn lực cho hiệu quả nhất.

    Một chiến thuật marketing chỉ có thể được tối ưu khi bạn biết nó đang hoạt động như thế nào – đang mang lại giá trị ở đâu và rò rỉ ở khâu nào. Đo lường không chỉ giúp xác định tactic có hiệu quả hay không, mà còn giúp ra quyết định: nên tiếp tục, tinh chỉnh, hay dừng lại.

    Việc đo lường hiệu quả cần đặt trong hệ thống framework tổng thể:

    • Mục tiêu đo lường là gì? Doanh thu, tỷ lệ chuyển đổi, chi phí trên mỗi đơn hàng?
    • Dữ liệu có phản ánh đúng hành vi người dùng không? Có tracking rõ ràng từ đầu đến cuối hành trình không?
    • Tactic có đang được triển khai theo đúng bối cảnh không? Hay đang tách rời khỏi các hoạt động khác?

    Một số công cụ và cách đo lường phổ biến:

    • UTM tracking: theo dõi nguồn traffic và hành vi người dùng (đặc biệt trên kênh social và paid media)
    • Shopee Affiliate: bắt buộc nếu làm KOC/KOL để xác định tỷ lệ chuyển đổi và hoa hồng
    • Link rút gọn có thống kê: đo click từng link, từng bài đăng, theo từng thời điểm

    Nếu không đo lường được hiệu quả, mọi nỗ lực marketing đều chỉ là phỏng đoán. Và bạn sẽ không biết nên phân bổ ngân sách và nhân sự vào đâu là tối ưu.

    Hiệu quả không phải chỉ là bán được hàng

    Hiệu quả trong marketing không nên bị rút gọn thành một vài đơn hàng phát sinh. Đó là cách nhìn ngắn hạn, dễ khiến doanh nghiệp hiểu sai về giá trị thực sự của chiến lược.

    Hiệu quả thực sự phải được hiểu là: mỗi đồng bỏ ra mang lại được kết quả rõ ràng và xứng đáng. Đơn giản nhất là công thức kinh điển: Bỏ 1 đồng → Thu về tối thiểu 2 đồng (tức ROAS > 2)

    Nếu một chiến dịch tạo đơn nhưng chi phí triển khai cao, vận hành phức tạp, hoặc không thể nhân rộng – thì chưa thể gọi là hiệu quả. Ngược lại, một tactic mang về ít đơn nhưng có khả năng scale, dễ kiểm soát, hoặc chi phí thấp – vẫn có thể là chiến thuật tốt trong dài hạn.

    Với người làm marketing chuyên nghiệp, hiệu quả là tổng hòa của:

    • Làm được: phù hợp với năng lực đội ngũ hiện tại.
    • Làm tốt: có hệ thống – kiểm soát – tối ưu.
    • Ra kết quả thực: có thể đo lường, có lợi nhuận, và có khả năng mở rộng.

    Đặc biệt với Startup/SME – nơi nguồn lực luôn có hạn – hiệu quả còn là bài toán của sự lựa chọn đúngđủ: chọn thứ mình làm được, làm tốt, và tạo ra giá trị đáng để đầu tư.

    Tổng kết

    Câu chuyện “kéo traffic về Shopee” là một ví dụ tiêu biểu cho bài toán rộng hơn mà mọi doanh nghiệp đều phải đối mặt: Làm sao để hiểu đúng hành trình khách hàng – Đo lường đúng hiệu quả – Và chọn đúng chiến thuật phù hợp với nguồn lực của mình.

    Marketing không chỉ là làm cho có khách, không phải là chọn một tactic hợp lý để triển khai rồi đợi đơn. Mà là:

    • Biết khách hàng của mình đang ở đâu trong hành trình mua sắm.
    • Thiết kế nội dung và điểm chạm đúng với từng giai đoạn.
    • Theo dõi dữ liệu – hiểu nguyên nhân – đánh giá tác động.
    • Và từ đó ra quyết định triển khai dựa trên số liệu thực tế.

    Khi ứng dụng được điều này, thì không chỉ là kéo traffic về Shopee, mà mọi hoạt động marketing của bạn đều hướng đến hiệu quả dài hạn và bền vững. Traffic chỉ có giá trị nếu được dẫn dắt đến đúng nơi – bằng đúng cách – và tạo ra chuyển đổi.

    >> USP là gì? Cách xây dựng USP giúp Startup & SME tránh cuộc đua giảm giá

    A2Z Marketing

    Để lại một bình luận