Chuyển tới nội dung

Làm branding, nhất định phải duy trì được điều này

    Nói về chuyện làm branding, vẫn có nhiều người mơ hồ: “Các hoạt động làm thương hiệu thì khác gì hoạt động marketing?” Để làm rõ điều này, bạn cần hiểu sâu về bản chất của việc làm branding và yếu tố mấu chốt tạo nên sự “khác bọt” của nó!

    Bản chất của việc làm branding

    Khi tìm hiểu sơ sơ về branding rồi, thì bạn sẽ hiểu được: Làm thương hiệu là việc xây dựng một hình tượng trong tâm trí khách hàng mục tiêu, nhằm tạo ra bản sắc riêng, để khách hàng ghi nhớ và dễ dàng nhận biết thương hiệu trong đám đông.

    Vậy, để xây dựng hình tượng thương hiệu, chúng ta cần làm gì? Trước tiên, phải “vẽ” được hình tượng đó với các nét cơ bản, như logo, màu sắc nhận diện,.. Sau đó đi sâu hơn: Cá tính thế nào? Phẩm chất ra sao? Trình độ thế nào?.. Khi đã hình dung và “lên giấy” được hình tượng muốn xây, bạn sẽ có một bộ nhận diện thương hiệu. Hay chính là chân dung thương hiệu trong mắt công chúng mục tiêu.

    Tiếp theo, làm sao để công chúng ghi nhớ được thương hiệu với hình tượng này? How to? Hãy xuất hiện nhiều nhất trước mặt công chúng. Tuy nhiên, để họ ghi nhớ được hình tượng mà bạn muốn xây, mỗi lần xuất hiện, thương hiệu buộc phải mang cùng một chân dung. Trong đó bao gồm: màu sắc; văn phong; phong cách;..

    Nếu mỗi bài post mang một văn phong, hình ảnh, màu sắc,.. khác nhau, chẳng liên quan gì đến hình tượng định hướng ban đầu. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày nhãn hiệu xuất hiện với một hình tượng khác nhau. Theo đó, nội dung dù hữu ích đến mấy, hình ảnh dù có đẹp đến đâu, công chúng cũng chỉ nhớ được thông tin thương hiệu cung cấp mà chẳng thể nhớ thương hiệu là ai.

    Tuy nhiên, nếu mỗi bài post đồng bộ về văn phong, màu sắc, hình ảnh,.. lâu dần, Target Audience nhìn thấy logo, màu sắc,.. là tự động nhận biết thương hiệu, trong khi não họ chẳng chủ động ghi nhớ điều này. Cùng với những thông tin tiếp cận với tần suất dày đặc, hình tượng thương hiệu sẽ tự động đi vào tâm trí công chúng.

    Vậy bản chất của việc làm branding chính là để thương hiệu xuất hiện trước công chúng với một chân dung duy nhất, nhằm để họ ghi nhớ thương hiệu gắn liền với hình tượng này.

    Các hoạt động làm branding thì khác gì hoạt động marketing?

    So sánh một chút với hoạt động marketing. Mặc dù branding là một phần trong marketing, tuy nhiên, không phải cứ làm marketing là cần phải làm branding. Ví dụ: Nhiều doanh nghiệp không xây dựng thương hiệu, mà chỉ tập trung chạy quảng cáo sản phẩm trên các nền tảng. Đó cũng là một hoạt động marketing. Bản chất của nó vẫn là giúp doanh nghiệp ra đơn và tạo doanh thu.

    Vậy hoạt động làm branding khác hoạt động marketing như thế nào? Bên cạnh mục tiêu cuối của hoạt động: 

    • Branding tạo dựng một hình ảnh trong tâm trí công chúng, nhằm tạo thiện cảm & xây dựng lòng trung thành với thương hiệu.
    • Marketing nhằm tạo chuyển đổi, tăng doanh thu.

    Thì điều dễ nhận thấy nhất là các hoạt động branding yêu cầu tính nhất quán và xuyên suốt với một định dạng đã được ấn định. Ví dụ: Content yêu cầu phải theo brand guideline, văn phong phải đồng bộ,.. Tất cả những gì đưa tới công chúng đều không được vượt quá khuôn khổ định sẵn.

    Còn các hoạt động marketing, tùy từng lĩnh vực, sản phẩm, mục tiêu dài hạn & ngắn hạn,.. mà có thể chỉ cần… ra đơn là được.

    Yếu tố then chốt của việc làm branding

    Như đã chia sẻ ở trên, bản chất của việc làm branding chính là xây dựng hình tượng thương hiệu bằng cách để thương hiệu xuất hiện nhiều lần với một chân dung duy nhất. Vậy yếu tố then chốt trong việc làm branding là gì? Đó là duy trì tính nhất quán hay chính là quản trị thương hiệu.

    > Màu sắc ảnh hưởng như thế nào trong marketing và branding?

    > House of Brand và Branded House khác nhau như thế nào?

    Việc làm branding chỉ thành công, khi và chỉ khi, các yếu tố nền tảng tạo nên hình tượng thương hiệu (màu sắc; phông chữ; văn phong;..) được duy trì đồng nhất và xuyên suốt. Vẽ được một hình tượng tốt là một chuyện, duy trì được nó lại là một chuyện khác. Bởi thế mà thương hiệu luôn cần các Brand Manager quản lý bộ phận sản xuất và thực thi như Content; Design;.. để duy trì yếu tố then chốt này. 

    Hi vọng những chia sẻ này của A2Z Marketing đã giúp các bạn hiểu sâu hơn về việc làm thương hiệu, cũng như phân biệt được các hoạt động branding và hoạt động marketing.

    A2Z Marketing

    Để lại một bình luận