Chuyển tới nội dung

Làm sao để viết tốt hơn?

    Làm sao để viết tốt hơn? Mình tin rằng đây vẫn là nỗi băn khoăn của rất nhiều người. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ đôi chút về cách bản thân đã trau dồi “ngòi bút”.

    Không có năng khiếu thì có thể theo đuổi “viết lách” được không?

    Không phải ai sinh ra cũng có sẵn năng khiếu viết. Và tất nhiên, không phải ai-không-có-thiên-bẩm về lĩnh vực này thì không thể theo đuổi. Có thể bạn đã từng nghe qua câu nói của Albert Einstein: “Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là do khổ luyện”.

    Thế nhưng, một nghiên cứu mới từ nhóm Giáo sư trường Đại Học Princeton đã chỉ ra rằng, luyện tập chỉ đóng góp 12% vào thành công. Con số này còn có thể thay đổi tùy vào lĩnh vực. 

    Ví dụ, từ nghiên cứu thực tế của nhóm Giáo sư chỉ ra rằng:

    • Luyện tập đóng góp 25% vào thành công trong lĩnh vực thể thao.
    • Luyện tập đóng góp 18% vào thành công trong lĩnh vực giáo dục.
    • Luyện tập chỉ đóng góp 4% vào thành công trong lĩnh vực âm nhạc.

    Có thể thấy rằng, lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc thì năng khiếu là một yếu tố rất quan trọng. Với lĩnh vực về thể chất như thể thao thì sự luyện tập lại chiếm vai trò cũng khá cao. Còn với lĩnh vực về tư duy như giáo dục thì sự rèn luyện cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. 

    Vậy nếu năng khiếu và rèn luyện không nắm trọn vẹn sự thành công, thì đâu là điều thực sự quan trọng? 

    Cá nhân mình cho rằng, tính cách, khả năng ghi nhớ & tư duy là 3 yếu tố sẽ ảnh hưởng đến sự phù hợp nghề nghiệp. Vậy nên mới thường có câu: “Nghề chọn người”.

    Ngoài ra, thời gian bắt đầu cũng là một điều quan trọng. Bởi ở mỗi độ tuổi, mức độ nhận thức và tiếp thu của chúng ta lại khác nhau. Bạn bắt đầu càng sớm, khả năng tiếp thu của bạn càng cao và tỷ lệ thành công của bạn càng lớn. Tuy nhiên, điều này không phủ nhận rằng: Ở bất cứ độ tuổi nào, chúng ta vẫn có thể tìm được những thành công mới.

    Đối với việc “viết lách” cũng thế. Những cây bút nổi tiếng có thể mang tâm hồn nghệ sĩ, nhưng nhìn chung, lĩnh vực này cũng nghiêng một nửa về tư duy. Vậy nên, miễn là yêu thích và muốn theo đuổi, hãy bắt đầu rèn luyện và thử sức ngay từ bây giờ.

    > Đặc điểm nhận dạng của một Content Marketing thời @

    Làm sao để viết tốt hơn?

    1. Bắt đầu viết từ những dàn ý

    Nhiều người thường tùy hứng, nghĩ gì viết nấy. Tuy nhiên, việc tùy hứng đôi khi sẽ khiến chúng ta lan man, lạc đề hoặc thiếu logic. Đến lúc đọc lại thì phải sửa cả bài. Do đó, hãy lập dàn ý để tránh những lỗi này.

    Ngoài ra, việc lập dàn ý sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng quan, khung nội dung của bài viết. Từ đó, ta sẽ có thể thẩm định nội dung đã đủ ý chưa? Có thừa hay thiếu ý nào không? Sắp xếp ý tứ đã đủ logic dẫn dắt hay chưa? 

    Sau khi tránh được loạt lỗi này, bạn có thể viết đúng và đủ. Mà trước khi viết hay, thì việc viết đúng và đủ đã là viết tốt rồi. Vậy nên, việc lập dàn ý là một bước đặc biệt quan trọng với những người viết còn “non” tay.

    > Cấu trúc viết content đơn giản nhưng thu hút (P1)

    2. Viết nhiều hơn, viết mỗi ngày

    Dù không nắm trọn 100% thành công nhưng rèn luyện vẫn là yếu tố mang tính quyết định. Việc viết mỗi ngày sẽ giúp bạn linh hoạt hơn trong câu từ, nắm bắt các biến đổi câu, cách thức thể hiện ý,.. Nói cách khác, rèn luyện hàng ngày sẽ giúp bạn quen tay, quen tư duy viết và biến nó thành thói quen trong tiềm thức của mình.

    Ngoài ra, viết nhiều hơn một công thức, nhiều một thể loại sẽ giúp bạn linh hoạt hơn và tìm ra điểm mạnh của mình. Từ đó, bạn có thể khai thác rèn luyện và nâng cấp tay nghề.

    Vậy nên, nếu có thể, hãy viết mỗi ngày.

    3. Đọc lại bài khi kết thúc

    Một bài viết tốt không được có lỗi chính tả và câu văn khó hiểu. Vậy nên, hãy tập cho mình thói quen đọc soát lại 7749 lần khi viết xong. Điều này sẽ giúp bạn lọc được kha khá lỗi chính tả khi đang viết hăng say mà không để ý. Hay những câu văn giờ đọc lại thấy chẳng hiểu ý gì.

    Ngoài ra, khi đọc soát lại, có thể bạn sẽ tìm được những câu văn thay thế mượt hơn, thơ hơn, để bài viết tốt hơn.

    4. Hãy để người lạ thẩm định

    Nếu bài viết chỉ quanh quẩn cho chính bản thân mình, hay những người trong vòng bạn bè của mình đọc, thì bạn khó có thể biết mình đang ở mức độ nào. Dẫu sao, đối tượng đọc cũng không phải duy nhất bản thân bạn. 

    Vậy nên, việc bản thân mình thấy hay là chưa đủ. Suy cho cùng, đó cũng chỉ là nhận định chủ quan. Một bài viết tốt thì cần nhận được sự đánh giá khách quan.

    Còn về bạn bè, đôi khi họ chỉ like dạo, like vì bạn thay vì bài viết. Vậy nên, mình hiếm khi chia sẻ trên trang cá nhân. Thay vào đó, bạn có thể chia sẻ lên các group cộng đồng trên Facebook, hay các nền tảng khuyến khích người dùng chia sẻ kiến thức, quan điểm cá nhân như Spiderum, Vietcetera,.. 

    Ở đây chỉ có những người lạ. Họ sẽ chẳng tương tác vì biết bạn là ai. Họ sẽ chỉ tương tác với nội dung họ thật sự thấy đáng ngẫm. Vậy nên, dù khởi đầu có thể khó khăn, nhưng khi số lượng người đọc, tương tác với bài viết của bạn tăng dần, bạn có thể tự tin với kỹ năng viết của mình.

    Mình đã dùng Spiderum & thấy đây là một nền tảng rất tốt để luyện viết. Nó có đa dạng chủ đề cho bạn lựa chọn. Chỉ cần lên bài, chọn chủ đề và đăng. Đợi 1 hôm là bạn có thể thấy xu hướng lượt tương tác (like, comment). Và nếu trên 500 người đọc bài của bạn sẽ có thông báo trả về. Sau đó, bạn có thể check được số lượt đọc trên số lượt tương tác để tìm hiểu vấn đề của mình. 

    Ví dụ, lượt đọc cao nhưng tương tác ít – Điều này có thể do nội dung của bạn được quan tâm nhưng người đọc lại không đủ kiên nhẫn với bài viết của bạn để đọc hết bài. Hoặc không cùng quan điểm. Hay bài viết có lượt đọc chưa đến 500, có thể do nội dung hoặc tiêu đề không đủ hấp dẫn.

    Bạn có thể dựa vào những dấu hiệu đó để thay đổi, rèn luyện dần.

    Ở trên là 4 cách cơ bản để nâng cao kỹ năng viết. Có thể là những điều mình không nói mà bạn cũng biết. Tuy nhiên, đôi khi những điều cơ bản là lại là yếu tố then chốt để tạo nên bước ngoặt của một người. Vậy nên, hi vọng những chia sẻ này vẫn sẽ giúp ích được các bạn phần nào đó.

    A2Z Marketing

    Để lại một bình luận