Marketer là ai? Marketer có “dáng dấp” ra sao? Để trở thành một Marketer cần phải có những kỹ năng gì? Tất cả sẽ được trả lời trong bài viết này.
Marketer là ai?
Có thể hiểu đơn giản, Marketer là những người làm việc trong lĩnh vực marketing. Họ đảm nhận các công việc từ khâu nghiên cứu sản phẩm; nghiên cứu thị trường cho đến lên kế hoạch, chiến lược truyền thông và thực thi chúng. Tất cả nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh cho doanh nghiệp.
Nhiệm vụ chính của Marketer là tìm hoặc tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp; dựa trên các nghiên cứu về xu hướng tiêu dùng & phân tích khách hàng để xây dựng chiến lược marketing, kích thích hành vi mua hàng ở nhóm đối tượng mục tiêu. Đồng thời cũng giúp mở rộng thị trường, đem về lượng khách hàng mới và tăng nhận diện thương hiệu.
Những Marketer trong một phòng marketing
Marketing là một khối phòng ban, bao gồm nhiều vị trí (Marketer) liên kết, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau. Thường thì chẳng có Marketer nào “toàn năng” từ A đến Z tự mình làm hết. Những người đạt đến trình “biết tuốt” này thường là các CMO – Giám đốc Marketing. Họ là người đưa ra chiến lược phát triển, quản lý nhân sự & các hoạt động marketing cho doanh nghiệp.
Những người muốn bước vào marketing, các Marketer mới bắt đầu thì có thể phát triển ở những vị trí nào? Để trả lời cho câu hỏi này, bạn cần phải biết sơ đồ tổ chức một phòng marketing.
Tùy thuộc vào quy mô và ngành nghề, các doanh nghiệp sẽ có cơ cấu phòng marketing khác nhau. Ở đây, mình sẽ đề cập đến các vị trí nhân sự cần thiết cho một phòng marketing theo xu hướng hiện tại.
1. Quản lý:
Thường thì một phòng marketing sẽ có Leader hoặc trưởng phòng marketing, những doanh nghiệp lớn sẽ có Giám đốc Marketing (CMO), mình sẽ gọi tắt là Marketing Manager. Vị trí này quyết định hướng phát triển của doanh nghiệp, đồng thời chịu trách nhiệm về sự thành bại của các chiến dịch.
Marketing Manager có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chiến lược marketing; lên ngân sách, quản lý & phân bổ chi phí marketing; đặt KPIs cho nhân sự và chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc.
Vị trí này không chỉ cần kiến thức chuyên môn mà thường cần có kinh nghiệm về ngành hàng. Đồng thời cũng không thể thiếu kỹ năng quản lý, để có thể theo sát, đánh giá và hỗ trợ cấp dưới khi cần.
2. Nhóm nội dung:
Nhóm này đảm nhận vai trò sáng tạo và sản xuất nội dung, thường bao gồm các vị trí: Copywriter/ Content Marketing; Designer và Video Editor.
- Copywriter/ Content Marketing là người sáng tạo ý tưởng nội dung với những tagline, concept,.. đảm nhiệm về phần text, concept, script (kịch bản) trên các nền tảng truyền thông; viết bài hỗ trợ SEO website.
- Designer là người hỗ trợ Copywriter về mặt hình ảnh, thẩm mỹ. Vị trí này đảm nhiệm việc sáng tạo ra những sản phẩm thiết kế chuyên nghiệp, sao cho vừa giữ đúng phong cách, nhận diện thương hiệu, vừa đảm bảo được thông điệp mà Copywriter muốn truyền tải.
- Video Editor là người hỗ trợ Copywriter về các sản phẩm video – một nội dung số không thể thiếu trong thời đại 4.0. Vị trí này đảm nhiệm việc sản xuất video, sao cho sản phẩm hấp dẫn và chuyên nghiệp nhất, đồng thời đảm bảo những nội dung mà Copywriter đã đưa ra.
Tuy nhiên, ngày nay, cùng với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) là sự biến đổi linh hoạt của các ngành nghề. Để tối ưu chi phí nhân sự, nhiều SMEs gộp nhiều tác vụ vào một vị trí.
Ví dụ:
Vị trí Content Creator ngày nay không chỉ chịu trách nhiệm về con chữ, câu từ,.. mà còn cần biết sử dụng các phần mềm thiết kế, dựng video cơ bản, cần có khiếu thẩm mỹ gần như một Designer và có kỹ năng dựng video cơ bản gần như Video Editor. Đây có thể coi là một Fullstack Content.
Tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khối lượng công việc chuyên môn không nhiều thì một Fullstack Content sẽ là một lựa chọn hợp lý.
3. Nhóm kỹ thuật:
Nhóm này thường bao gồm các vị trí: SEO; Quảng Cáo; CRM; Email Marketing; Kỹ thuật web; Coder;.. Tùy thuộc vào nhu cầu và khối lượng công việc, doanh nghiệp có thể lựa chọn thuê ngoài nhóm này.
4. Nhóm branding:
Tùy vào quy mô doanh nghiệp sẽ có vị trí branding riêng. Vị trí này được biết đến là người chuyên làm việc và giữ mối liên hệ với truyền thông, báo chí; phụ trách kết nối với những bên booking Influencers khi cần. Thường trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Leader hoặc Content sẽ đảm nhận luôn công việc này.
Ngày trước, mình có đọc được topic về việc một bạn Designer tự nhận mình làm marketing. Topic này nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Mình cho rằng, xét về kỹ thuật, Designer không phải người làm marketing, nhưng xét về chức năng, thì Designer lại là một yếu tố của phòng marketing. Vậy nên, mình vẫn xếp các vị trí kỹ thuật vào nội dung này.
Ở trên là các vị trí trong phòng marketing thường thấy ở một doanh nghiệp. Tuy nhiên, còn rất nhiều vị trí khác mà mình chưa đề cập đến. Bởi nhiều vị trí chỉ xuất hiện ở ngành nghề đặc thù, hoặc còn phụ thuộc vào loại hình công ty là Client hay Agency.
> Phòng Marketing trong Client và Agency khác nhau như thế nào?
Những kỹ năng cơ bản mà một Marketer cần có
1. Khả năng thích nghi và linh hoạt
Nghề nào cũng có những trường hợp không nằm trong kế hoạch. Thậm chí là rủi ro. Cạnh đó, những người làm marketing luôn phải chạy theo xu thế thị trường & nhu cầu khách hàng. Vậy nên, việc kế hoạch nội dung chốt hôm nay ngày mai phải sửa có thể là chuyện cơm bữa nếu như sếp của bạn thích bắt trend.
Sẽ có những sự cố bất ngờ mà bạn không lường trước được. Ví dụ như: Tối sát sự kiện, nhân sự media bất ngờ báo ốm nặng, không thể làm được; một diễn viên chuẩn bị đồ không chuẩn yêu cầu trong buổi quay;..
Những tình huống “khó lường” như thế yêu cầu Marketer phải bình tĩnh, tìm hiểu vấn đề và tìm phương án thay thế một cách linh hoạt.
2. Biết quan sát, lắng nghe
Marketer là người giữ mối liên hệ và thúc đẩy target customer mua hàng. Vì vậy, Marketer phải biết quan sát và lắng nghe tâm tư khách hàng (qua nhiều phương tiện), để hiểu thứ họ cần, biết thứ họ thích, từ đó nghiên cứu hành vi, nhu cầu và kết nối với họ, biến họ trở thành khách hàng trung thành.
3. Kỹ năng giao tiếp
Marketer không làm việc độc lập. Không chỉ phải tiếp xúc với khách hàng, Marketer còn phải thường xuyên phối hợp với những bộ phận khác. Do đó, Marketer cần có kỹ năng giao tiếp tốt, để truyền tải ý tưởng tới đồng nghiệp, đồng thời thuyết phục khách hàng qua idea của mình.
4. Kỹ năng làm việc nhóm
Marketer không làm việc một mình mà còn phải phối hợp với các phòng ban khác nhau. Để một chiến dịch thành công thì cần có sự phối hợp ăn ý giữa các thành viên. Vậy nên, các Marketer cần kỹ năng làm việc nhóm để có được yếu tố tiên quyết này.
5. Chịu được áp lực công việc
Tùy từng công ty, bạn sẽ có những áp lực công việc khác nhau. Tuy nhiên, thường thấy nhất là khối lượng nhiều khiến Marketer phải tăng ca và bị “dí” deadline thường xuyên. Thậm chí, nhiều người còn thấy đây là một văn hóa của ngành Marketing. Vậy nên, bạn cần có đam mê để trụ vững trong ngành này.
> Đặc điểm nhận dạng của một Content Marketing thời @
Đọc đến đây, bạn có thấy hình bóng của mình ở đâu không? Hy vọng bài viết này của A2Z Marketing sẽ giúp ích được các bạn phần nào trên con đường “nhập môn” marketing!