Chuyển tới nội dung

Thách thức trong kinh doanh: Cân bằng mục tiêu ngắn hạn & dài hạn?

    Đặc biệt là khi mục tiêu dài hạn của bạn có vẻ “xa tầm với”…

    Mình từng nghe đâu đó thế này: “Các chiến lược kinh doanh hầu hết mất vài năm để triển khai, nhưng chiến lược chỉ rõ ràng nhất khi nó đã được thực hiện và nhìn lại.” Cho đến lúc đồng hành dài hạn cùng các doanh nghiệp, mình mới “thấm” hết câu nói này.

    Kinh doanh luôn là một hành trình không hề dễ dàng. Nó lấy đi chắc chắn không ít mồ hôi, nước mắt & tiền bạc. Nhưng lại không thể chắc chắn 100% sẽ mang về lợi nhuận. Món lời duy nhất có thể chắc chắn khi tham gia vào hành trình này, đó là trải nghiệm & kỹ năng.

    Việc kinh doanh đòi hỏi sự kiên nhẫn, quyết đoán, khả năng ứng biến linh hoạt & rất nhiều đam mê để có một niềm tin có phần “cố chấp” vào bản năng của mình. Mỗi người sẽ có những chiến lược khác nhau, nhưng chiến lược nào cũng cần bắt đầu từ việc cân bằng mục tiêu ngắn hạn & dài hạn.

    thach-thuc-trong-kinh-doanh-can-bang-muc-tieu-ngan-han-dai-han

    Khi theo đuổi tầm nhìn dài hạn, việc tồn tại trong ngắn hạn là một thách thức

    Có những việc mình làm chẳng tạo nên giá trị gì mục tiêu trong ngắn hạn. Nhưng nếu không có những chi tiết đó, cuộc đời mình đã không có những bước dài. Vậy nên, không phải quyết định nào cũng mang lại hiệu quả ngay lập tức. Đôi khi, chúng ta phải đánh đổi những lợi ích ngắn hạn để đạt được những mục tiêu dài hạn thật sự quan trọng. Điều này không chỉ đúng trong một khía cạnh, mà trong mọi mặt, kể cả việc kinh doanh.

    Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung theo đuổi một giấc mơ có phần “xa vời” tại thời điểm đó, có thể mình đã phải từ bỏ trước khi đi đến được đỉnh vinh quang. Bởi chẳng có ai cho mình đồ ăn, nước uống,.. những nhu yếu phẩm cơ bản để sinh tồn một cách vô điều kiện. Vậy nên, việc cân bằng giữa mục tiêu ngắn hạn & dài là vô cùng quan trọng.

    Mục tiêu dài hạn có thể đúng đắn & tiềm năng. Nhưng nó không thể đảm bảo sự sống của bạn trong hiện tại. Ví dụ: Bạn đặt mục tiêu trở thành thương hiệu hàng đầu về sản phẩm nội thất phong cách châu Âu. Nhưng nếu không thể vận hành để sống sót trong ngắn hạn, bạn sẽ không thể vượt qua các đối thủ của mình trên thị trường, chưa nói đến việc chạm vào được mục tiêu. Có thể bạn sẽ thấy những người có ý tưởng giống mình, nhưng lại thành công trước một bước. Bởi họ đã xử lý tốt hơn trong việc cân bằng mục tiêu ngắn hạn & dài hạn.

    Trong bất cứ việc gì, việc thực thi & hành động chiếm phần lớn thành công. Nếu không có những hoạt động khảo sát thực tế: đưa sản phẩm ra mắt khảo sát nhu cầu thị trường; đánh giá thị hiếu, xu hướng mua hàng; đánh giá tiềm năng sản phẩm;.. thì mọi thứ đều chỉ là “ảo ảnh”.

    Việc đứng giữa làn sương mờ “ảo ảnh”, dễ khiến chúng ta mất định hướng, mơ hồ về hành động & nhận định của chính mình. Từ đó tạo nên những rỏi ro tiềm ẩn trong từng đường đi nước bước.

    Loạt hoạt động khảo sát thực tế sẽ giúp bạn làm rõ bài toán của mình. Nhưng nó lại có thể ngốn của bạn không ít tiền bạc mà chưa đem lại lợi nhuận ngay lập tức. Điều này dễ khiến bạn chưa đến chợ đã hết tiền. Đây cũng là trong những rủi ro tiềm ẩn.

    Vậy, làm thế nào để giảm thiểu tối đa rủi ro?

    > Tại sao marketing lại quan trọng trong thời đại số?

    Đi vào ngách là một chiến lược kinh doanh tối ưu mức an toàn

    Ngách, hay một phân khúc nhỏ trong thị trường sẽ giúp bạn hành động, nhận phản hồi & tối ưu nhanh chóng. Khi thị trường quá lớn, bạn sẽ dễ rơi vào mông lung, không biết tệp khách hàng của mình ở đâu để tới, hay khi lựa chọn key để tiếp thị tới khách hàng.

    Ví dụ: Tôi bán sản phẩm nội thất cao cấp phong cách Âu – Mỹ. Nghe tưởng phân khúc cao cấp là một ngách nhỏ. Nhưng tệp khách có khả năng chi trả & có gu sản phẩm của tôi thì muôn hình vạn trạng. Vậy là tôi rối lên khi thấy họ rải rác từ người trẻ 25 cho đến đầu U40; họ rải rác từ dân tài chính, kinh doanh cho đến làm ngân hàng, nhà nước; họ đọc những trang kinh tế tài chính và có cả những “họ” đọc Mương14 để theo trend;.. Tôi mơ hồ không biết rải tiền ở đâu để tiếp cận được tối đa “họ”. Tôi mơ hồ không biết nên rải tiền thế nào để tối đa hóa kết quả thời điểm bấy giờ. 

    thach-thuc-trong-kinh-doanh-can-bang-muc-tieu-ngan-han-dai-han

    Khi còn những mơ hồ trên, tôi chưa thực sự đi vào ngách. Khi đã đi đủ sâu vào ngách an toàn, tôi sẽ:

    • dễ dàng giới thiệu, mô tả, nói cho người khác hiểu về sản phẩm với key phù hợp.
    • đơn giản hóa & rõ ràng hơn từ quy trình, hoạt động tiếp thị và các thức thực hiện.
    • dễ dàng nhắm mục tiêu, theo dõi tiến trình kinh doanh và kích hoạt feedback loop. (Khi thị trường mục tiêu thị trường quá rộng lớn, sẽ không có vòng phản hồi nào xảy ra hết. Bởi môi trường nhắm tới quá phức tạp sẽ khiến việc đánh giá các đường đi nước bước của mình đúng hay sai trở nên bất khả thi.)

    Feedback loop (vòng phản hồi) là một quá trình, trong đó, thông tin phản hồi từ kết quả của một hoạt động được sử dụng để điều chỉnh và cải thiện các hành động tiếp theo. Đây là một khái niệm phổ biến trong nhiều lĩnh vực, bao gồm kỹ thuật, kinh doanh, giáo dục, và quản lý.

    Cơ chế vòng phản hồi giúp hệ thống có thể điều chỉnh và thích ứng dựa trên thông tin môi trường và các yếu tố bên ngoài. Nó giúp đo lường hiệu suất và đánh giá hiệu quả của các hoạt động. Từ đó có thể đưa ra các điều chỉnh để đạt được mục tiêu hoặc cải thiện hiệu suất.

    Trong kinh doanh, feedback loop được sử dụng để thu thập phản hồi từ khách hàng, đánh giá hiệu quả của sản phẩm/dịch vụ và cải tiến liên tục. Các ý kiến, đánh giá và phản hồi từ khách hàng giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhu cầu của thị trường và từ đó phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ tốt hơn.

    Trong marketing, feedback loop giúp đánh giá hiệu quả và cải thiện các chiến lược tiếp thị thông qua:

    • Thu thập phản hồi: Marketing team sẽ thu thập thông tin phản hồi từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: khảo sát ý kiến của khách hàng; đánh giá về sản phẩm/dịch vụ; tương tác trên mạng xã hội;..
    • Phân tích dữ liệu: Các thông tin phản hồi thu thập được sẽ được phân tích và đánh giá kỹ lưỡng để hiểu rõ hơn về ý kiến, nhu cầu và hành vi của khách hàng. Điều này giúp tìm ra các mặt mạnh và yếu của chiến lược tiếp thị hiện tại.
    • Đánh giá hiệu quả: Feedback loop giúp đánh giá xem các hoạt động tiếp thị đang diễn ra có đạt được mục tiêu hay không, liệu chúng có tạo ra giá trị cho khách hàng hay không, và đo lường hiệu suất của các chiến lược đã triển khai.
    • Điều chỉnh chiến lược: Dựa trên các kết quả đánh giá, marketing team sẽ điều chỉnh chiến lược tiếp thị, tối ưu hóa các yếu tố, và tạo ra những cải tiến để đáp ứng tốt hơn nhu cầu và mong muốn của khách hàng.

    > Những chỉ số Digital Marketing quan trọng để đo lường & đánh giá hiệu quả chiến dịch

    > Không ra được khách là do Marketing, còn chốt được khách là nhờ Sale?

    Từ đó giúp doanh nghiệp liên tục cải tiến và thích ứng với thị trường.

    thach-thuc-trong-kinh-doanh-can-bang-muc-tieu-ngan-han-dai-han-1

    Với mình, feedback loop là một trong những yếu tố giúp mình đạt được mục tiêu dài hạn. Bởi nó sẽ giúp mình nhận ra mình đang sai ở đâu? cần cải thiện chỗ nào? để có hướng đi rõ ràng trong các hoạt động tiếp theo. Và trong một thị trường ngách, quy mô khách hàng đủ nhỏ để có thể cung cấp cho mình những phản hổi này.

    Ví dụ: Khi kinh doanh nội thất cao cấp phong cách Âu – Mỹ, mình đi sâu vào ngách khách hàng là dân tài chính, kinh doanh. Tức là nhóm “có tiền”, làm trong ngành tài chính chứ không phải tất cả những người “có tiền”. Mình sẽ dễ dàng biết tìm họ ở đâu để tiếp thị, thu thập phản hồi, đánh giá & điều chỉnh chiến lược tiếp theo. Nhưng nếu mình cố bám theo nhóm “có tiền” chung chung (tệp này rộng & khó định hình), thì sẽ rất khó để chọn key tiếp thị và đưa ra những đánh giá dựa trên phản hồi chung chung từ họ.

    Với ngách rõ ràng & quy mô nhỏ, bạn sẽ dễ kiểm soát hơn; ít bị nhiễu hơn; dễ linh hoạt ứng biến hơn. Đặc biệt, khi làm tốt một thứ rồi thì con đường mở rộng ra những thứ khác sẽ dễ dàng hơn. Vậy nên, đi vào NGÁCH là một con đường tối ưu sự an toàn. Tất nhiên, tùy vào ngân sách mà chúng ta sẽ có những hướng đi phù hợp.

    Kết luận

    Những mục tiêu ngắn hạn giúp bạn sống sót, còn những mục tiêu dài hạn giúp bạn có những bước dài. Để tạo ra kết quả tốt nhất, bạn cần cân bằng cả 2 mục tiêu: ngắn hạn & dài hạn.

    A2Z Marketing

    Để lại một bình luận