Marketing Mix 4P là một trong những mô hình cốt lõi của doanh nghiệp. Vậy nên, marketer cần nắm được yếu tố này mới có thể xây dựng chiến lược phát triển phù hợp cho doanh nghiệp. Ở bài viết trước, A2Z Marketing đã phân tích chiến lược marketing mix 4P của Vinamilk, một trong những doanh nghiệp nội địa đứng đầu ngành công nghiệp chế biến sữa. Trong bài viết này, mình sẽ phân tích chiến lược marketing mix 4P của Coca Cola, một trong những thương hiệu đồ uống có ga lớn nhất thế giới.
Chiến lược Marketing Mix 4P của Coca Cola
> Marketing Mix là gì? Vai trò và các chiến lược
Chiến lược sản phẩm – Product
Theo dữ liệu của Nielsen, trong năm 2010, Coca Cola là thương hiệu TOP 1 trong thị trường nước giải khát, nước uống đóng chai và nước trái cây trên toàn thế giới. Với sản phẩm chủ lực là nước giải khát có ga, hiện nay, Coca Cola đã đa dạng hóa danh mục sản phẩm của mình với nhiều mẫu mã, màu sắc và hương vị hơn.
Hơn 500 nhãn hiệu của Coca Cola được bán trên 1,9 tỷ phần ăn mỗi ngày trên toàn cầu. Trong đó, bao gồm hơn 3900 loại đồ uống khác nhau, với sản phẩm chủ lực – Coca Cola – một trong những sản phẩm có giá trị nhất thế giới.
Theo World of Coca Cola, trong danh sách đầu tư của Coca Cola, có tới 21 danh mục sản phẩm trị giá hàng tỷ USD. Trong đó bao gồm 19 loại sản phẩm sẵn vị truyền thống, có hàm lượng thấp hoặc không có calo.
Dưới đây là một trong số những thương hiệu nổi tiếng nhất trong danh mục sản phẩm của Coca Cola:
- Coca Cola: Nước giải khát phổ biến nhất và có doanh số bán chạy nhất trong lịch sử. Đây cũng là một trong số những thương hiệu dễ nhận diện nhất trên toàn cầu.
- Sprite: Một loại nước giải khát vị chanh phổ biến nhất ra mắt năm 1961.
- Fanta: Thương hiệu nước giải khát vị cam, có lịch sử lâu đời thứ hai, chỉ sau Coca Cola, ra mắt vào năm 1940.
- Diet Coke: Một loại nước ngọt không đường và không có calo, ra mắt vào năm 1982.
- Coca Cola Zero: Thương hiệu nước giải khát không đường ra mắt năm 2005, và đã đạt được giá trị hàng triệu đô la vào năm 2007.
- Coca Cola Life: Sản phẩm giải khát ít calo với chiết xuất từ đường mía và lá Stevia.
- Danisa: Nước uống tinh khiết.
- Minute Maid: Một thương hiệu nước trái cây bị Coca Cola mua lại vào năm 1960.
- Ciel: Nước uống tinh khiết không ga đóng chai, ra mắt năm 1996.
- Powerade: Sản phẩm nước giải khát cung cấp năng lượng và hydrat hóa, được sản xuất từ carbohydrate, chất điện giải và chất lỏng.
- Powerade Zero: Đồ uống thể thao không calo, có chất điện giải.
- Simply Juices and Drink: Thức uống từ hoa quả 100%
- Fresca: Nước giải khát vị cam, không chứa caffein.
- Glaceau Vitamin Water: Thức uống tăng dinh dưỡng.
- Del Valle: Dòng nước giải khát cao cấp được làm từ trái cây và mật ong được bán chủ yếu ở Mỹ Latinh và Trung Mỹ.
Ở trên chỉ là một trong số những nhãn hiệu đồ uống của Coca Cola được phân phối trải dài trên hơn 200 quốc gia trên toàn thế giới.
Công ty cũng không ngừng nghiên cứu phát triển thêm các dòng sản phẩm mới, để phù hợp với xu hướng và đặc điểm thị trường. Ví như việc bổ sung thêm những hương vị mới cho các sản phẩm truyền thống (Fanta vị chanh, Fanta vị dâu) nhằm đáp ứng thị hiếu và khẩu vị của người Việt Nam. Để đáp ứng xu hướng sử dụng thức uống ít đường để tránh bệnh béo phì, đồng thời cạnh tranh trực tiếp với Pepsi, năm 2016, Coca Cola đã cho ra dòng Coca không đường.
Mặc dù đã xuất hiện tại Việt Nam hơn 20 năm, ngày nay còn phải cạnh tranh với ngày càng nhiều dòng nước giải khát trong và ngoài nước khác, nhưng Coca Cola vẫn đang trên đà phát triển vượt bậc và chưa có dấu hiệu suy giảm cả về doanh thu và lợi nhuận. Thành công này có được một phần cũng nhờ sự thay đổi và cải tiến sản phẩm không ngừng.
Bên cạnh mở rộng danh mục sản phẩm, Coca Cola cũng chú trọng về bao bì. Bao bì các sản phẩm của Coca Cola được cải tiến qua từng năm. Điều này mang lại cho khách hàng cảm giác mới mẻ, lạ mắt và ngày càng tiện lợi hơn – các yếu tố giúp kéo dài chu kỳ sống của sản phẩm.
Trong chiến lược sản phẩm, Coca Cola đã tập trung mở rộng danh mục sản phẩm bằng cách tăng số lượng dòng sản phẩm và tăng độ sâu cho một dòng sản phẩm. Đồng thời định vị sản phẩm phù hợp với từng thị trường đặc trưng.
Chiến lược về giá – Price
Vào thời điểm đầu, để xây dựng độ nhận diện, Coca Cola đã định giá sản phẩm ngang với đối thủ cạnh tranh với chỉ tiêu: “Đồ uống đặc biệt với mức giá phải chăng”. So với đối thủ lớn nhất của Coca Cola bấy giờ là Pepsi, mức giá sản phẩm không được vượt quá hay thấp hơn quá nhiều. Bởi nếu giá quá cao, khách hàng sẽ chuyển sang mua của Pepsi, nhưng nếu giá quá thấp, trong tâm trí khách hàng dễ nhận định là sản phẩm chất lượng kém.
Trong những năm hình thành và phát triển thương hiệu giá trị nhất hành tinh, Coca Cola đã khéo léo sử dụng các chiến lược giá trong marketing mix 4P của mình:
- Psychological Pricing – Định giá theo tâm lý: Vào năm 2009, Coca Cola đã định giá 1 bình 2 lít là 2,49 USD thay vì 2,50 USD. Mặc dù chênh lệch không đáng kể, nhưng điều này vẫn khiến khách hàng có cảm giác rẻ hơn. Coca Cola đã sử dụng định giá theo tâm lý để tiếp cận khách hàng.
- Promotional Pricing – Định giá khuyến mãi: Trong các dịp lễ hoặc ngày đặc biệt, các sản phẩm của Coca Cola thường được giảm giá, kèm theo những khuyến mãi khác. Đồng thời, Coca Cola cũng đề xuất và đưa ra các khuyến mãi đi kèm cho các nhà bán lẻ. Điều này nhằm tạo động lực và thúc đẩy họ nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường.
- Segmented Pricing – Định giá theo phân đoạn: Coca Cola đã đa dạng hóa bao bì sản phẩm với các chi phí khác nhau. Ví dụ: RGB là chai thủy tinh có thể tái sử dụng; PET là chai nhựa; CAN là lon nhôm; BIB là đồ uống bỏ túi.
- Discriminatory Pricing – Định giá theo kênh phân phối: Tương tự như định giá theo phân đoạn, các sản phẩm của Coca Cola với dung tích khác nhau cũng xuất hiện tại nhiều điểm bán như siêu thị, tạp hóa, nhà hàng,.. với mức giá khác nhau.
Với độ phủ rộng lớn, các sản phẩm của Coca Cola được điều chỉnh giá bán phù hợp với từng phân khúc thị trường và địa lý. Mỗi nhãn hàng của Coca Cola lại có chiến lược về giá phù hợp với thị trường mục tiêu khác nhau.
Chiến lược phân phối – Place
Các sản phẩm của Coca Cola được phân phối trên hơn 200 quốc gia thuộc các khu vực châu Âu; châu Mỹ Latinh; Bắc Mỹ; Thái Bình Dương; châu Á và châu Phi. Hầu hết các hệ thống đều theo mô hình phân phối hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Đối với kênh và điểm phân phối, Coca Cola đã áp dụng chiến lược nội địa hóa để đưa sản phẩm tới gần khách hàng hơn. Cụ thể, tại Việt Nam, Coca Cola đã đặt 3 cơ sở sản xuất tại các tỉnh thành: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Đồng thời, các sản phẩm của Coca Cola cũng được phủ sóng cả nước từ thành phố lớn cho đến nông thôn, từ các siêu thị lớn đến các tạp hóa nhỏ, các quán cà phê cho đến nhà hàng, quán ăn,..
Chiến lược quảng bá – Promotion
Trong mô hình marketing mix 4P, Promotion là yếu tố được Coca Cola đầu tư nhất với chiến lược marketing đa kênh. Từ các kênh truyền thống như truyền hình; OOH;.. cho đến các kênh tiếp thị Internet như Facebook; Instagram; Youtube;.. Tất cả đều có sự hiện diện của Coca Cola.
Các tài khoản mạng xã hội của Coca Cola được tạo ra với mục tiêu kết nối và kích thích khán giả tham gia các chiến dịch của mình. Hiện tại, Coca Cola có hơn 109 triệu người theo dõi trên Facebook; hơn 2,8 triệu follower trên Instagram; hơn 3,97 triệu người đăng ký kênh Youtube;..
Cạnh đó, do sự cạnh tranh gay gắt trong ngành nước uống giải khát, Coca Cola còn chú trọng củng cố hình ảnh trên thị trường. Trong đó phải kể đến sự tích cực tham gia các chiến dịch CSR hướng tới phát triển bền vững:
- World without Waste: Năm 2018, Coca Cola bắt đầu phát động chiến dịch Thế giới không có rác thải bằng những cải tiến trong sản xuất bao bì. Các bao bì được cải tiến thân thiện với môi trường hơn.
- Water Leadership: Năm 2020, Coca Cola tiếp tục phát động phong trào bảo vệ nguồn nước cho con người, doanh nghiệp và thiên nhiên.
- Reducing Added Sugar: Với các sản phẩm ít và không có calo, Coca Cola tiếp tục chiến dịch vì sức khỏe người tiêu dùng.
- Climate: Năm 2020, Coca Cola đã đạt được mục tiêu giảm 25% lượng khí thải carbon. Sau đó, Coca Cola tiếp tục đặt mục tiêu giảm 25% lượng khí thải carbon, dự kiến hoàn thành vào năm 2030.
Tại Việt Nam, Coca Cola cũng từng phát động chiến dịch: “Bật nắp Sắp đôi – Trúng đã đời” với mục tiêu là nhóm khách hàng trẻ. Chương trình khuyến mại này khác biệt ở chỗ tinh thần chủ đạo là: “Chung hưởng niềm vui” – dành cho một nhóm bạn hơn là một cá nhân.
Ngoài ra còn có thể kể đến chiến dịch “Happiness Factory” với gần 1 triệu mẫu sản phẩm dùng thử cho người tiêu dùng tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Có thể thấy, Coca Cola tận dụng các hoạt động khuyến mãi như phương thức tốt nhất để quảng bá sản phẩm và hình ảnh của mình. Điều này không chỉ mang lại doanh thu mà còn thể hiện những giá trị vô hình mà Coca Cola mang lại cho khách hàng của mình.
Ở trên là 4 yếu tố trong mô hình marketing mix 4P của Coca Cola đã tạo nền tảng cho sự thành công của loại nước có ga quốc dân. Đây cũng có thể coi là một case study cho các doanh nghiệp xây dựng và phát triển hình ảnh thương hiệu. Hi vọng những chia sẻ này sẽ hữu ích với các bạn.