Chuyển tới nội dung

Smarketing – Giải pháp tối ưu Sale & Marketing

Trong thời đại số hóa, ngành Sale và Marketing đang trải qua một sự biến đổi mạnh mẽ. Các doanh nghiệp không chỉ tiếp tục hoạt động theo cách truyền thống mà còn phải tìm kiếm các giải pháp tối ưu, để thích nghi với môi trường kinh doanh thay đổi liên tục. Để giải quyết các thách thức này, một khái niệm đang nổi lên mạnh mẽ trong giới doanh nghiệp là “Smarketing”.

smarketing-giai-phap-toi-uu-sale-marketing
Smarketing là gì?

Smarketing là gì?

Smarketing là thuật ngữ được tạo ra bằng việc kết hợp hai từ “Sales” (Bán Hàng) và “Marketing” (Tiếp Thị). Smarketing đề cập đến việc tối ưu hóa sự hợp tác giữa các bộ phận Sales (bộ phận bán hàng) và Marketing (bộ phận tiếp thị) trong một doanh nghiệp. Mục tiêu chính của Smarketing là tạo ra một chiến lược toàn diện và tương thích giữa các hoạt động tiếp thị + bán hàng, nhằm cải thiện hiệu suất và kết quả của cả hai bộ phận.

Thay vì để Marketing & Sale hoạt động riêng lẻ khiến đôi khi không hiệu quả, Smarketing đặt trọng điểm vào sự hợp tác, giao tiếp, và chia sẻ thông tin giữa hai bộ phận này.

Một nghiên cứu từ Content Marketing Institute đã chỉ ra sự khác biệt rõ rệt giữa nhóm Sale & Marketing liên kết chặt chẽ & nhóm Sale & Marketing ít liên kết.

smarketing-giai-phap-toi-uu-sale-marketing

Vì sao Smarketing sẽ trở thành xu hướng?

Thói quen mua hàng của người tiêu dùng thay đổi

Đã qua cái thời kỳ Marketing chỉ cần đưa sản phẩm/ dịch vụ đến đúng khách hàng, vào đúng thời điểm là đã có thể chốt deal. Cũng đừng quá mong đợi vào việc Sale gọi một loạt data sẵn giới thiệu sản phẩm để tìm kiếm khách hàng mới. Ngày nay, hành vi mua hàng của người tiêu dùng trở nên phức tạp hơn.

Nguyên nhân của việc này đến từ hiện tượng cung vượt quá cầu. Khách hàng có quá nhiều sự lựa chọn. Cạnh đó, những nội dung giáo dục về “mua hàng” từ truyền thông còn khiến người tiêu dùng trở nên “kén” & phức tạp hơn rất nhiều.

Ví dụ:

Ngành thẩm mỹ thuở đầu, chỉ cần có dịch vụ, PR tốt là đã có khách nườm nượp. Marketing chỉ cần mang Lead về, Sale gọi tư vấn, thế là đã có thể chốt. Nhưng rồi các vụ phẫu thuật hỏng bởi chính tay các bác sĩ có tiếng lộ diện. Dân tình kháo nhau những ca thẩm mỹ lỗi không được xử lý thỏa đáng. Theo đó, truyền thông cảnh báo diện rộng về những nguy cơ của việc làm đẹp. Khách hàng cũng từ đây mà “đa nghi” hơn.

Một nghiên cứu từ Content Marketing Institute đã chỉ ra: Phần lớn quá trình mua hàng đang diễn ra trực tuyến.

  • 92% người mua bắt đầu bằng việc tìm kiếm thông tin.
  • 53% người mua nhận thấy rằng việc lên mạng và nghiên cứu sẽ tốt hơn việc tương tác với nhân viên bán hàng.
  • 75% người mua phụ thuộc vào mạng xã hội để tìm hiểu cách chọn nhà cung cấp phù hợp.
  • 90% người mua sẽ không nhận cuộc gọi chào hàng.

Theo SaaS, người mua thường sẽ không liên hệ (hoặc muốn được liên hệ) với nhà cung cấp cho đến khi họ hoàn thành 57% quy trình bán hàng – con số này dự kiến ​​sẽ còn tăng lên 80% trong những năm tiếp theo.

Cạnh đó, sự ra đời của các công cụ tự động hóa bán hàng và phần mềm tiếp thị giúp doanh nghiệp có thể thu thập nhiều loại dữ liệu về khách hàng tiềm năng. Điều này khiến quá trình bán hàng ngày càng dựa trên dữ liệu.

Ngày nay, thay vì chỉ định hướng bán hàng như trước đây, doanh nghiệp thiên về xây kênh định hướng tiếp thị nhiều hơn. Theo đó, đội ngũ bán hàng và tiếp thị phải song hành với nhau như một bộ phận để đồng thời nghiên cứu khách hàng, thu hút, cung cấp thông tin và giữ chân họ. Sale dần trở thành một phần của Marketing Mix mở rộng.

> Phân tích chiến lược Marketing mix 4p của Coca Cola

> Phân tích chiến lược marketing mix 4P của Vinamilk

Hành vi khách hàng thay đổi theo thời đại. Hành vi mua hàng hiện tại có thể sẽ rất khác hành vi mua hàng sau 10 năm nữa. Trong khi đó, Marketing chỉ là người đưa sản phẩm đến với khách hàng tiềm năng, còn trao đổi trực tiếp với khách hàng, hiểu khách hàng nhất lại là Sale. Vậy nên, input đầu vào của Marketing có sự liên kết chặt chẽ với bộ phận Sale. Sự phối hợp giữa Sale & Marketing sẽ giúp doanh nghiệp luôn theo sát khách hàng tiềm năng của mình dù họ có thay đổi sau bao nhiêu năm.

Hiệu suất hoạt động tăng lên khi có sự kết hợp giữa Sale & Marketing

Theo báo cáo từ CMO’s Agenda, Tập đoàn Aberdeen nhận thấy rằng Smarketing hiệu quả có thể:

  • Tăng doanh thu cao hơn 32%
  • Giữ chân được nhiều khách hàng hơn 36%
  • Đạt tỷ lệ thắng cao hơn 38%

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng Smarketing hiệu quả sẽ tạo ra nhận thức thương hiệu cao hơn và tăng trưởng quy mô giao dịch trung bình.

smarketing-giai-phap-toi-uu-sale-marketing
Nghiên cứu từ CMO’s Agenda về hiệu quả liên kết giữa Sale & Marketing.

Cạnh đó, Sirius Decisions nhận thấy các công ty sử dụng Smarketing đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn 24% và tăng trưởng lợi nhuận nhanh hơn 27% trong một năm.

Có thể thấy, Smarketing giúp nâng cao hiệu suất tổng thể của doanh nghiệp.

Smarketing sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết những vấn đề gì?

Sale dễ bỏ sót những khách hàng tiềm năng từ Marketing

Một nghiên cứu từ Marketo and ReachForce , bộ phận bán hàng dễ bỏ qua tới 80% Marketing Lead. Thay vào đó, vì khách hàng cũ có thể tái mua hàng, nên họ dành một nửa thời gian tập trung vào các khách hàng tiềm năng cũ, nếu Marketing không cung cấp những Lead khiến họ thấy tiềm năng. Do đó, việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng đôi khi không mấy hiệu quả.

Ở đây, nếu bộ phận bán hàng và tiếp thị dành thời gian để thống nhất các mục tiêu, xác định khách hàng tiềm năng và quy trình chuyển giao, thì cả hai nhóm sẽ tối ưu được thời gian cho các khách hàng tiềm năng đầy hứa hẹn.

Smarketing tối ưu chiến lược tiếp thị với chiến lược bán hàng

Để tối ưu chiến lược tiếp thị với chiến lược bán hàng, Sale & Marketing cần họp thường xuyên nhằm theo dõi các mục tiêu chung và trao đổi về quy trình làm việc, những trở ngại và phương án giải quyết.

smarketing-giai-phap-toi-uu-sale-marketing

Việc này cũng sẽ đảm bảo cả hai bộ phận đều có tiếng nói khi thiết lập chiến lược và lập kế hoạch để đạt mục tiêu chung. Doanh nghiệp tránh được vấn đề Không ra được khách là do Marketing, còn chốt được khách là nhờ Sale?

Smarketing đơn giản hóa quy trình làm việc

Sự liên kết giữa bộ phận bán hàng và tiếp thị sẽ đồng nhất lãnh đạo, kết hợp mục tiêu chung và các đặc điểm khách hàng mục tiêu. Đồng thời, nó cũng đơn giản hóa quy trình làm việc bằng cách chia sẻ các công cụ.

Thay vì bộ phận tiếp thị đăng nhập vào một hệ thống và bộ phận bán hàng lại đăng nhập vào hệ thống khác, cả hai nhóm có thể sử dụng cùng các bảng điều khiển và công cụ có liên quan.

Smarketing giúp tăng doanh thu và đánh giá ROI Marketing rõ ràng

Việc đánh giá giá trị thực sự của các hoạt động marketing có thể khó khăn nếu không có phản hồi trực tiếp hoặc giao dịch để đo lường. Điều này đặc biệt đúng đối với các nhà tiếp thị B2B tập trung vào các chương trình tạo khách hàng tiềm năng với chu kỳ bán hàng dài và phức tạp.

Để có thể đánh giá ROI Marketing rõ ràng, bạn cần bạn cần có khả năng theo dõi và đo lường tác động một cách tích hợp, trải rộng trên tất cả các hệ thống bán hàng và tiếp thị.

Kết luận

Như chúng ta đã thấy, Smarketing là một phương thức giúp cải thiện hiệu suất của cả bộ phận Sales và Marketing. Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa hai bộ phận này không chỉ đồng bộ hóa lãnh đạo và mục tiêu, mà còn tạo ra cơ hội để tận dụng dữ liệu, công cụ, và tài nguyên chung.

Với Smarketing, doanh nghiệp có thể tạo ra một trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, giảm thiểu sự phân biệt giữa Sales và Marketing, và đạt được chiều sâu về chân dung khách hàng. Điều này giúp tối ưu hóa chi phí tiếp thị, tăng tỷ lệ chuyển đổi, và nâng cao lợi nhuận.

Smarketing không chỉ là một xu hướng mới, mà còn là một cách tiếp cận cần thiết để đáp ứng sự thay đổi không ngừng của môi trường kinh doanh.

A2Z Marketing

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *