Chuyển tới nội dung

Growth Marketing là gì? So sánh Growth Marketing và Growth Hacking

Trong thời đại bùng nổ công nghệ và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, các doanh nghiệp luôn tìm kiếm những chiến lược hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng. Growth MarketingGrowth Hacking nổi lên như hai phương pháp tiếp thị được ưa chuộng, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà kinh doanh và marketer. Tuy nhiên, hai thuật ngữ này thường bị nhầm lẫn do có nhiều điểm tương đồng. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn: Growth Marketing là gì?Growth Hacking là gì? Đồng thời so sánh những điểm khác biệt chính giữa hai chiến lược này.

Growth Marketing là gì?

Khái niệm Growth Marketing

Growth Marketing là chiến lược tiếp thị tổng thể tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp trong dài hạn, bằng cách cải thiện khả năng giữ chân khách hàng và tối đa hóa lòng trung thành của họ.

Trên thực tế, Growth Marketing có thể coi là sự kết hợp của Branding & Performance Marketing. Nó kết hợp các phương pháp khoa học, dữ liệu và sự sáng tạo để thu hút khách hàng tiềm năng, chuyển đổi họ thành khách hàng trung thành, và gia tăng giá trị cho doanh nghiệp. Cũng có thể hiểu, Growth Marketing là sự kết hợp giữa marketing truyền thống với tư duy thử nghiệm, phân tích dữ liệu và tối ưu hóa liên tục để đạt được tăng trưởng.

Các Growth Marketer có thể sử dụng nhiều phương thức tiếp thị như tiếp thị nội dung; tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO); tiếp thị truyền thông xã hội;.. Nhiệm vụ & mục tiêu chính của Growth Marketing bao gồm:

  • Tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi
  • Thử nghiệm các chiến lược kinh doanh mới ở nhiều bộ phận khác nhau
  • Giám sát các chỉ số đo lường, đánh giá hiệu quả hoạt động (KPI) và số liệu tiếp thị
  • Giảm chi phí thu hút khách hàng
growth-marketing-la-gi
Growth Marketing là gì?

Các thành phần của Growth Marketing

1. Cross-channel marketing

Cross-channel marketing (hay tiếp thị đa kênh) là chiến lược sử dụng nhiều kênh khác nhau để kết nối với khách hàng và truyền tải thông điệp một cách thống nhất. Mục tiêu chính là tạo ra hành trình trải nghiệm liền mạch cho khách hàng trên tất cả các kênh tiếp xúc.

Thay vì hoạt động riêng lẻ, các kênh marketing trong cross-channel marketing được tích hợp và phối hợp nhịp nhàng để củng cố thông điệp thương hiệu, thúc đẩy chuyển đổi, đồng thời tăng tương tác với khách hàng.

Các kênh tiếp thị có thể bao gồm:

  • Email marketing
  • Mạng xã hội (Social media)
  • Quảng cáo trực tuyến (Digital advertising)
  • Tiếp thị nội dung (Content marketing)
  • Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (Search engine optimization – SEO)
  • Marketing trên thiết bị di động (Mobile marketing)
  • Podcast
  • Sự kiện
  • Truyền hình

2. A/B Testing

A/B Testing (còn gọi là Split Testing) là một kỹ thuật thử nghiệm được sử dụng trong marketing để so sánh hai phiên bản khác nhau của một yếu tố trên trang web, ứng dụng, email, quảng cáo,… Mục đích là xác định phiên bản nào mang lại hiệu quả tốt hơn trong việc đạt được mục tiêu marketing đã đề ra. Mục tiêu là tối ưu hóa hiệu suất của các hoạt động marketing. Chẳng hạn như tăng tỉ lệ click (click-through rate – CTR) trên quảng cáo, nâng cao tỉ lệ chuyển đổi (conversion rate) trên landing page, hay cải thiện mức độ tương tác (engagement) trên email marketing,..

3. Các chiến dịch tăng trưởng

Các Growth Marketer thường phân loại các chiến dịch tiếp thị theo các phần của phễu tiếp thị tăng trưởng (Growth Marketing Funnel). Phễu tiếp thị tăng trưởng cũng giống như khái niệm kinh doanh về vòng đời của khách hàng (Customer lifecycle). Cả hai đều đề cập đến các giai đoạn điển hình mà khách hàng trải qua trước, trong và sau khi mua sản phẩm/dịch vụ từ doanh nghiệp.

growth-marketing-la-gi
Growth Marketing Funnel.

Đặc điểm của Growth Marketing

Growth Marketing có 4 điểm đặc trưng, bao gồm:

  • Mục tiêu tăng trưởng bền vững: Growth Marketing hướng tới mục tiêu cốt lõi là thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Theo đó Growth Marketer quan tâm đến các chỉ số như: doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ chuyển đổi, giá trị vòng đời khách hàng (CLV).
  • Các quyết định được đưa trên dữ liệu: Growth Marketing sử dụng và phân tích dữ liệu để đưa ra quyết định và đo lường hiệu quả chiến dịch. Các Growth Marketer áp dụng các công cụ và phương pháp phân tích dữ liệu như A/B testing, phân tích hành vi khách hàng, tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi (CRO),..
  • Thử nghiệm theo chu kỳ: Growth Marketing liên tục thử nghiệm các chiến lược, ý tưởng mới để tìm ra phương pháp hiệu quả nhất. Đồng thời cải tiến từ những sai lầm và điều chỉnh chiến lược dựa trên dữ liệu thu thập được. Growth Marketer có thể áp dụng quy trình: thử nghiệm – đo lường – học hỏi (Test – Measure – Learn) để tối ưu hóa hiệu quả.
  • Tập trung vào khách hàng: Khách hàng là yếu tố tiên quyết cho thành công trong Growth Marketing. Các Growth Marketer nghiên cứu hành vi, nhu cầu, mong muốn của khách hàng để xây dựng chiến lược phù hợp. Đồng thời tạo trải nghiệm khách hàng tốt nhất để tăng sự hài lòng và lòng trung thành.
  • Là sự kết hợp giữa Branding & Performance Marketing: Growth Marketing kết hợp cả mục tiêu về doanh thu lẫn thương hiệu, nhằm đạt được kết quả trong ngắn hạn & sự tăng trưởng về dài hạn.

> POP & POD trong chiến lược định vị thương hiệu

Growth Hacking là gì?

Growth Hacking là chiến lược tiếp thị tập hợp các phương thức và kỹ thuật nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh chóng cho doanh nghiệp trong ngắn hạn. Theo đó, Growth Hacking lựa chọn các phương thức tiếp cận hiệu quả nhất để thu hút người dùng, tạo ra sự tương tác và tăng tỷ lệ chuyển đổi với ngân sách tối ưu nhất có thể. Ví dụ:

  • Gamification: Áp dụng các yếu tố trò chơi (game) vào sản phẩm hoặc dịch vụ để tăng tương tác và giữ chân người dùng.
  • Content viral: Tạo ra nội dung dễ dàng lan truyền trên mạng xã hội, thu hút lượng lớn người dùng mới.
  • Affiliate Marketing: Khuyến khích người dùng giới thiệu bạn bè để nhận thưởng, gia tăng nhanh chóng lượng người dùng.
  • Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO): Cải thiện thứ hạng website trên các công cụ tìm kiếm để thu hút khách hàng tiềm năng tự nhiên.

Nếu như Growth Marketing là “chiếc thuyền” đưa doanh nghiệp đi tới những điểm đến dài hạn, thì Growth Hacking sẽ là “nhiên liệu” giúp thuyền có “lực” để ra khơi trong ngắn hạn.

So sánh Growth Marketing với Growth Hacking

So sánh Growth Marketing và Growth Hacking

So sánh Growth Marketing Growth Hacking
Điểm tương đồng Lấy khách hàng làm trung tâm
Đánh giá & quyết định dựa trên dữ liệu
Thử nghiệm có tính chu kỳ
Mục tiêu tăng trưởng
Liên kết chặt chẽ với các kênh Digital
Điểm khác biệt Mục tiêu tăng trưởng ổn định Mục tiêu tăng trưởng nhanh chóng
Tầm nhìn dài hạn với bức tranh tổng thể Tầm nhìn ngắn hạn với kết quả tức thì
Tập trung vào xây dựng thương hiệu bền vững Tập trung vào kết quả doanh thu ngắn hạn

Khi nào doanh nghiệp nên dùng Growth Marketing? Khi nào nên dùng Growth Hacking?

Nếu như Growth Marketing là “chiếc thuyền” đưa doanh nghiệp đi tới những điểm đến dài hạn, thì Growth Hacking sẽ là “nhiên liệu” giúp thuyền có “lực” để ra khơi trong ngắn hạn. Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta cần xét đến các yếu tố: Trạng thái thị trường; Mục tiêu & Giai đoạn phát triển của doanh nghiệp; Đặc điểm khách hàng mục tiêu; Đặc điểm sản phẩm/ dịch vụ/ ngành hàng.

growth-marketing-la-gi
Lựa chọn Growth Marketing hay Growth Hacking?

Trạng thái thị trường

Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Doanh nghiệp có đang hoạt động trong một thị trường bão hòa?

Nếu như sản phẩm/ dịch vụ có USP riêng, tạo ra những xu hướng mới, lựa chọn mới hoàn toàn cho khách hàng, mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ thấp hơn. Thậm chí là không có đối thủ trên thị trường. Trong trường hợp này, dù lựa chọn Growth Marketing hay Growth Hacking, tỷ lệ thắng của doanh nghiệp vẫn sẽ cao, miễn sản phẩm/ dịch vụ thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng mục tiêu.

Tuy nhiên, đặt vào bối cảnh thị trường đã bão hòa, một nhu cầu có quá nhiều lựa chọn để giải quyết, nếu như không có sẵn vị thế trên thị trường, rất khó để một Startup hay SME chỉ với các chiến lược Growth Hacking ngắn hạn có thể cạnh tranh hay “vượt mặt” các thương hiệu lớn.

> D2C là gì? Lợi ích và thách thức từ mô hình D2C 

Mục tiêu & giai đoạn phát triển của doanh nghiệp

Thực tế không phải Startup hay SME nào cũng có nguồn lực đủ lớn để theo chiến lược Growth Marketing, đặc biệt là trong những thị trường cạnh tranh. Trước khi đi đến được “đích” dài hạn, thì doanh nghiệp cần “sống sót”. Vậy nên, trong giai đoạn đầu phát triển, hầu hết các doanh nghiệp lựa chọn Growth Hacking để nhanh chóng tái cơ cấu dòng tiền.

Khi đã có tệp khách & dòng tiền ổn định, doanh nghiệp có thể tính đến chiến lược Growth Marketing nhằm nuôi dưỡng tệp khách hàng cũ, và phát triển tệp khách hàng mới. Hoặc thậm chí là mở rộng quy mô doanh nghiệp với những danh mục mới.

Đặc điểm khách hàng mục tiêu

Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc lựa chọn chiến lược tiếp thị là đặc điểm hành vi của khách hàng mục tiêu. Chúng ta có nhiều phân khúc khách hàng với những key point khác nhau. Và mỗi tệp trong mỗi ngành hàng lại có đặc điểm hành vi khác nhau.

Sẽ có những tệp khách không quá chú trọng vào sản phẩm, chỉ cần thấy sự phù hợp về giá và đáp ứng nhu cầu là đã có thể ra quyết định mua. Cạnh đó, cũng có tệp khách cần yếu tố niềm tin, có nhiều sự “cân nhắc” trong hành trình mua hàng.

Ví dụ: Tệp khách B2B có đặc điểm chung là hành trình mua hàng dài, nhiều người tham gia đưa quyết định. Để thuyết phục họ ra quyết định mua, đôi khi không thể chỉ trong ngày 1 ngày 2. Doanh nghiệp sẽ cần một khoảng thời gian đủ dài để tiếp cận, nuôi dưỡng bằng những giá trị dài hạn, lấy được niềm tin, rồi mới có thể khiến họ thực hiện hành-vi-mua. Với tệp khách này, Growth Marketing thường là cần thiết.

Ngoài ra, với tệp khách B2C dù hành trình mua hàng đơn giản hơn, nhưng các phân khúc khác nhau cũng có hành-vi-mua với mức độ “phức tạp” khác nhau. Phân khúc khách hàng phổ thông sẽ khác với phân khúc trung – cao cấp.

Vậy nên, để lựa chọn chiến lược phù hợp, doanh nghiệp cần hiểu rõ đặc điểm hành vi của khách hàng mục tiêu.

Đặc điểm sản phẩm/ dịch vụ/ ngành hàng

Thử so sánh sản phẩm gia dụng và sản phẩm sức khỏe, yếu tố cân nhắc khi mua hàng của bạn có giống nhau không?

Thật ra, đặc điểm ngành hàng cũng tác động đến hành vi mua hàng. 2 yếu tố này có sự liên kết mật thiết với nhau. Có những ngành hàng mà người tiêu dùng chỉ cần đáp ứng nhu cầu ở hiện tại & thỏa mãn về giá. Nhưng cũng có những ngành hàng mà người tiêu dùng mong đợi giá trị dài hạn, cần yếu tố niềm tin. Với nhóm cần yếu tố niềm tin thì Growth Marketing là điều cần thiết, không sớm thì muộn, không giai đoạn này thì giai đoạn khác.

Hoặc như nhóm hàng trend với đặc điểm độ phủ sóng rộng, tiêu thụ nhanh nhưng vòng đời ngắn thì Growth Marketing là không cần thiết. Trường hợp này Growth Hacking là chiến lược tối ưu.

Tóm lại, Growth Marketing và Growth Hacking đều là những chiến lược tiếp thị hiệu quả. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp nào phù hợp còn cần xét nhiều yếu tố. Chúng ta có thể nhìn tổng quan:

Dùng Growth Marketing khi:

  • Doanh nghiệp đã có nền tảng thương hiệu ổn định: Growth Marketing tập trung vào xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững, phù hợp với doanh nghiệp đã có chỗ đứng trên thị trường và muốn củng cố vị thế.
  • Có mục tiêu tăng trưởng dài hạn: Growth Marketing đề cao chiến lược tổng thể, hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.
  • Sẵn sàng đầu tư nguồn lực: Growth Marketing thường đòi hỏi ngân sách và nhân lực cao hơn cho các hoạt động nghiên cứu, phân tích dữ liệu, xây dựng nội dung,…
  • Có đội ngũ nhân viên chuyên môn: Doanh nghiệp cần có đội ngũ nhân viên am hiểu về marketing, phân tích dữ liệu, sáng tạo nội dung,… để triển khai chiến lược Growth Marketing hiệu quả.

Dùng Growth Hacking khi:

  • Doanh nghiệp đang ở giai đoạn khởi nghiệp hoặc startup: Growth Hacking giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và thử nghiệm các ý tưởng mới mẻ với nguồn lực hạn chế.
  • Cần tăng trưởng nhanh chóng: Mục tiêu chính của Growth Hacking là đạt được kết quả tăng trưởng trong thời gian ngắn, phù hợp với doanh nghiệp cần bứt phá thị trường hoặc tung ra sản phẩm mới.
  • Có đội ngũ nhân viên linh hoạt và sáng tạo: Growth Hacking đòi hỏi sự sáng tạo, dám thử nghiệm và học hỏi từ những sai lầm.
  • Sẵn sàng chấp nhận rủi ro: Do tính chất thử nghiệm cao, Growth Hacking tiềm ẩn rủi ro thất bại cao hơn so với Growth Marketing.

Tổng kết

Growth Marketing và Growth Hacking, dù cả hai đều nhằm mục tiêu tăng trưởng, chúng lại có những điểm khác biệt quan trọng.

Growth Marketing, với sự tập trung vào tăng trưởng bền vững, đòi hỏi sự tích hợp chặt chẽ giữa các phương tiện tiếp thị và việc sử dụng dữ liệu để liên tục cải thiện chiến lược. Đây là lựa chọn lý tưởng cho các doanh nghiệp có ngân sách tiếp thị ổn định và mong muốn xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng.

Trái lại, Growth Hacking nhấn mạnh vào việc tìm ra các cách tiếp cận sáng tạo để tăng trưởng nhanh chóng mà không cần một nguồn lực tiếp thị lớn. Đây là sự lựa chọn thích hợp cho các doanh nghiệp mới bắt đầu hoặc có ngân sách hạn chế, mong muốn tạo ra sự tiếp cận và tăng trưởng đột phá trong thời gian ngắn.

Doanh nghiệp nên kết hợp linh hoạt cả hai phương pháp để đạt được hiệu quả cao nhất. Điều quan trọng là cần có chiến lược rõ ràng, đo lường kết quả thường xuyên và điều chỉnh chiến lược phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.

A2Z Marketing

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *